Giải mã kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỷ USD của Việt Nam

09:26 | 24/10/2022

Tính đến ngày 21/10, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 620 tỷ USD, đặc biệt, xuất siêu gần 8 tỷ USD, đây là một kỷ lục. Để đạt được những kết quả tốt trong phục hồi kinh tế, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có hai nguyên nhân cơ bản, đó là việc Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch Covid-1 cùng với đó là việc xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế.
Thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Hà Lan Thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Hà Lan
Xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ đạt 6,8 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022 Xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ đạt 6,8 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam có một hệ thống doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu tốt, trong bối cảnh thế giới đứt gãy nguồn cung cả về nguyên liệu và sản xuất, gây ra thiếu hụt các loại hàng hóa, chúng ta đã mở cửa đúng lúc, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tìm kiếm thị trường mới.

“Chúng ta đã tranh thủ được thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa và tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu”, ông nói và cho biết: Theo thống kê 9 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, đạt gần 558 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2%, gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 6,76 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu 3,44 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Đến thời điểm này, theo số liệu ước tính, kim ngạch hai chiều đã đạt khoảng 620 tỷ USD. “Như vậy chỉ còn thiếu hơn 40 tỷ USD nữa là bằng số của năm 2021 và đến giờ này chúng ta xuất siêu gần 8 tỷ USD, đây là một kỷ lục", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Bộ Công thương).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Bộ Công thương).

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, hiện Việt Nam có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam ta có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: Hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%).

Bên cạnh đó, những mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; Thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở thêm các thị trường mới.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm hơn 74%), tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

“Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao”, Bộ trưởng nêu rõ.

Từ đây, ông cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu, nhất là các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ đối với sản phẩm nông sản phải tìm hiểu, đáp ứng được yêu cầu tại các thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch.

“Nếu xuất khẩu chính ngạch thì trong mọi tình huống không bao giờ chúng ta bị thiệt hại. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, phát huy tốt vai trò hệ thống cơ quan thương vụ nước ngoài, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp có thông tin xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu có hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ các ngành sản xuất đã bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 61/63 địa phương. Cơ bản đảm bảo đủ điện, xăng dầu, nguyên vật liệu cho sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt.

Dù vậy, sản xuất công nghiệp vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước dịch bệnh ở một số địa phương trọng điểm và một số ngành hàng công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng chưa cao. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong hồi phục sản xuất; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nền tảng, then chốt; mức độ liên kết và tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI diễn ra còn chậm.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất. Đồng thời tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp trong tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Việt Nam xuất siêu 6,52 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022 Việt Nam xuất siêu 6,52 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022
Xuất khẩu cá tra gia tăng thị phần tại ASEAN Xuất khẩu cá tra gia tăng thị phần tại ASEAN

Minh Thái

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giai-ma-ky-luc-xuat-nhap-khau-620-ty-usd-cua-viet-nam-177337.html

In bài viết