Một đời làm "giao liên" tình nghĩa Việt Lào

08:28 | 13/10/2022

Mới đây, đại diện Đại sứ quán Lào tại Việt Nam đã tiếp nhận hiện vật do cụ Nguyễn Văn Khuông (100 tuổi, ở phố Vọng, Hà Nội), cựu chiến sĩ Tây Tiến, Phó Ban miền Tây tỉnh Sơn La, cán bộ tiền khởi nghĩa trao tặng.
Địa danh nào được nhắc đến trong bài thơ “Tây Tiến”? Địa danh nào được nhắc đến trong bài thơ “Tây Tiến”?
Chủ tịch Quốc hội Việt - Lào thăm, dâng hương tại Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung Đoàn 52 Tây Tiến Chủ tịch Quốc hội Việt - Lào thăm, dâng hương tại Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung Đoàn 52 Tây Tiến

Hiện vật là cuốn ghi chép của cụ Nguyễn Văn Khuông ghi lại những năm tháng hoạt động cách mạng của ông, trong đó có trên 30 năm ở nước bạn Lào, đặc biệt là vùng đất Sầm Nưa (thủ phủ tỉnh Hủa Phăn).

Chia sẻ về cuốn ghi chép, cụ Nguyễn Văn Khuông cho biết: "Trong cuộc kháng chiến trường kỳ muôn vàn khó khăn gian khổ để giành được thắng lợi thống nhất Tổ quốc đều có sự đóng góp và mất mát. Có hàng kho sự việc là tài sản vô giá, nếu không kể lại, ghi lại sẽ không chỉ là thiếu sót lớn với bản thân mà còn mắc nợ với con cháu và người thân".

Ký ức không quên của người cựu binh Tây Tiến về Sầm Nưa
Đại diện Đại sứ quán Lào tại Việt Nam tiếp nhận hiện vật ông Nguyễn Văn Khuông trao tặng. Ảnh: Tào Đạt

Ở tuổi 100, cụ Khuông vẫn giữ nguyên những ký ức về hơn 30 năm hoạt động cách mạng trên nước bạn Lào.

Ngày tháng hào hùng trên đất bạn

Sinh ra ở thôn Tướng Loát, xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, chưa đầy 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Khuông đã theo cha rời quê hương sang Sầm Nưa sinh sống. Khuông học tiểu học tại Lào, được tiếp xúc với các bạn Lào hàng ngày nên nhanh chóng biết, hiểu ngôn ngữ bản địa. Đến tuổi trưởng thành, Khuông được Hội Việt kiều Ái hữu tại Sầm Nưa vận động tham gia cách mạng, rồi được tổ chức giao nhiệm vụ tập hợp thanh niên Việt kiều tại đây.

Tháng 9/1945, nghe tin có quân đội Việt Minh ở Mộc Châu (Sơn La), Nguyễn Văn Khuông cùng một thanh niên Việt kiều Lào (trong Đoàn Thanh niên Sơ cút) tên là Trần Văn Kính nhận lệnh cơ cở cách mạng ở Lào đạp xe từ Sầm Nưa về Mộc Châu để trao thư cho lãnh đạo Việt Minh. Nhận thư, hai thanh niên tháo ghi đông, cuộn bì thư đút vào trong rồi lên đường. Đến Mộc Châu, gặp ông Lam Ngọc ở bộ phận chỉ huy quân đội giải phóng Việt Minh mới ở Hà Nội lên.

"Ông nhận thư bóc xem, thấy ông cười vui rồi gọi chúng tôi bằng từ đồng chí. Chúng tôi chưa hiểu ý nghĩa của từ đồng chí nhưng nghe nó thân mật", ông Nguyễn Văn Khuông nhớ lại.

Ký ức không quên của người cựu binh Tây Tiến về Sầm Nưa
Ở tuổi 100, ông Nguyễn Văn Khuông vẫn minh mẫn kể về những ngày tháng hoạt động cách mạng ở Lào. Ảnh: Thành Luân

Đến tháng 10/1945, hai thanh niên Khuông - Kính lại tiếp tục được cử đi đưa thư và đón bộ đội Việt Minh về giải phóng Sầm Nưa. Tại đây, cố vấn Lê Hiến Mai - đặc phái viên của Chính phủ và đại diện Tổng bộ Việt Minh chỉ huy toàn quân đội đã ôm từng người các ông mà nói: "Thay mặt đơn vị hoan nghênh hai đồng chí đã đưa tin ở Sầm Nưa mà chúng tôi đang mong. Hai đồng chí hãy đi nghỉ ngơi cho lại sức chờ chúng tôi một lát". Được thượng cấp tiếp thân mật, anh em Khuông - Kính rất phấn khởi, hết cả mệt nhọc.

Vị lão thành cách mạng trăm tuổi vẫn nhớ như in ngày đoàn vũ trang trinh sát miền Tây - tiền thân của Trung đoàn 52 Tây Tiến, Trung đoàn mà sau này tất cả 25 thanh niên Việt kiều ở Sầm Nưa, trong đó có ông được gia nhập, tiến vào Sầm Nưa. Lúc đó khoảng 5h sáng 18/10/1945, quân Pháp đã rút hết về phía đường đi Xiêng Khoảng từ hôm trước nên bộ đội tiến vào không phải bắn phát súng nào mà chỉ hô xung phong. Đoàn quân lên Sầm Nưa khi ấy chỉ có khẩu súng tiểu liên tôm-sơn, một số súng mút cơ tông, súng kíp và cả súng săn, còn phần lớn là vác cây tre, cây bương trong đựng muối.

Biết tin bộ đội vào, các gia đình Việt kiều mở hết cửa kéo đèn ra ngoài hè, đường phố sáng trưng để nghênh đón bộ đội.

"Lúc trời sáng tỏ, các bà, các ông, các chị Việt kiều đã gánh củi đến chỗ đóng quân của quân đội đốt để bộ đội sưởi ấm. Có người sai con cháu thồ bằng xe đạp mấy kiện quần áo để bộ đội thay tạm vì lội qua suối quần áo ướt hết, rồi thồ cả mấy kiện chăn màn nữa. Nhà nào có bao nhiêu gạo, gà, lợn nuôi trong chuồng đều mang ra ủng hộ quân đội", ông Khuông nhớ lại tình cảm ấm áp trên đất Lào.

Tháng 6/1946, quân Pháp chiếm lại được Sầm Nưa, nhiều Việt kiều Lào được đưa về Việt Nam, trong đó có bố và vợ con ông Khuông. Riêng ông được cử ở lại để xây dựng cơ sở và làm liên lạc. Trong những năm này, cái tên Lào của ông ra đời. Theo đó, vào đầu năm 1947, khi đón đơn vị Liên quân Lào - Việt, ông Khuông được chỉ huy đơn vị đặt cho cái tên Khăm Húng - nghĩa là thỏi vàng sáng. Đầu năm 1948, khi đón đơn vị võ trang Lào Bắc, ông được ông Caysone Phomvihan đặt thêm hai từ Hủa Phăn thành Khăm Húng Hủa Phăn - nghĩa là tỉnh Hủa Phăn có thỏi vàng sáng.

Một đời làm công tác dân vận

Làm công tác dân vận ở Lào nhiều năm, tới năm 1957 ông Khuông được về Việt Nam đoàn tụ với gia đình và học tập chính trị, văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn. Cuối năm 1962 ông lên công tác ở ngân hàng khu tự trị Thái Mèo. Cùng năm ấy, đoàn cán bộ cấp cao của Luang Prabang (Lào) sang làm việc với huyện Điện Biên và khu tự trị Thái Mèo nhưng chưa có người phiên dịch, ông Khuông được "trưng dụng" làm phiên dịch. Sau đó, biết ông giỏi tiếng Lào, cấp trên đã điều ông về tăng cường cho huyện Sông Mã (Sơn La) để làm nhiệm vụ trực tiếp giúp Lào.

Về đây, Sơn La thành lập ban Miền Tây và kết nghĩa với tỉnh Hủa Phăn. Ông Khuông đã trực tiếp có mặt ở vùng đất Hủa Phăn, Mường Son, Xiềng Khọ (tỉnh Hủa Phăn) để giúp đỡ các bạn Lào xây dựng, phát triển kinh tế. Điều ông đặc biệt tự hào chính là đã làm tốt nhiệm vụ tham gia đào tạo cán bộ của nước bạn Lào. Ông đã vận động được 35 thanh niên là con bạn chiến đấu ngày xưa sang Việt Nam học tập. Các anh sau đó trở về quê hương công tác, đều là cán bộ cốt cán ở cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương.

Có một sự việc liên quan đến cụ Phìa Thăm, bố đẻ ông Thoong Sinh Thăm Ma Vông - nguyên Thủ tướng Lào, khiến cụ Nguyễn Văn Khuông nhớ mãi. Khi ấy, ông Thoong Sinh đang công tác ở Bộ Giáo dục Lào nhưng bị nghi ngờ lý lịch gia đình "có vấn đề", bởi có người cho rằng ông Thoong Sinh có bố là phản động. Thực ra có sự nhầm lẫn tên gọi giữa cụ Phìa Thăm và một người có tên Phìa Khăm. Cụ Khuông công tác với cụ Phìa Thăm ở Mường Son nhiều năm khi ông Thoong Sinh còn nhỏ. Còn người có tên Phìa Khăm mới là phản động có nợ máu với nhân dân. Cụ Khuông đã cung cấp thông tin làm rõ sự việc. Từ đó, ông Thoong Sinh coi cụ Khuông là bậc cha, chú nên đón tiếp thân tình.

Tháng 11/2002, vợ chồng cụ Khuông được mời sang thăm Viêng Chăn. Năm ấy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư, Đô trưởng thành phố Viêng Chăn Thoong Sinh Thăm Ma Vông cùng phu nhân mời vợ chồng cụ Khuông đến thăm gia đình rồi trực tiếp dẫn vợ chồng cụ tham quan cánh động Chum, thăm Mường Son, Sầm Nưa - nơi cụ đã gắn bó hơn 30 năm.

Cụ Nguyễn Văn Khuông cho rằng cuộc đời làm cán bộ dân vận của mình đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, may mắn được tham gia đóng góp một chút vào nhiệm vụ xây dựng mối tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Cụ Nguyễn Văn Khuông vinh dự được Đảng, Chính phủ Lào tăng huân chương Tự do hạng nhất, huân chương Chiến thắng hạng nhất, huy chương Anh dũng chống thực dân Pháp, huy chương Anh dũng chống đề quốc Mỹ đều là hạng nhất, huy chương giải phóng Sầm Nưa, giải phóng Pha Thí.

Hải Phòng tổ chức giao lưu hữu nghị, tặng quà cho sinh viên Lào Hải Phòng tổ chức giao lưu hữu nghị, tặng quà cho sinh viên Lào
Tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn (Lào) ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 Tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn (Lào) ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mot-doi-lam-giao-lien-tinh-nghia-viet-lao-167204.html

In bài viết