Tham quan miễn phí Tàng Thơ Lâu trong kinh thành Huế

13:52 | 21/04/2022

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vừa thông báo lịch mở cửa phục vụ miễn phí bạn đọc và khách tham quan tại Tàng Thơ Lâu (346 Đinh Tiên Hoàng, TP Huế) trong kinh thành Huế.
Tham quan miễn phí cổ vật triều Nguyễn vừa hồi hương Tham quan miễn phí cổ vật triều Nguyễn vừa hồi hương
Cận cảnh cổ vật triều Nguyễn đang hồi hương về Cố đô Huế Cận cảnh cổ vật triều Nguyễn đang hồi hương về Cố đô Huế

Thời gian mở cửa buổi sáng từ 8h đến 10h, buổi chiều từ 14h đến 16h các ngày từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần (trừ các ngày lễ, tết).

Trước đó, hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2022, ngày 20/4, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức triển lãm "Quốc Sử Quán triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử - kết nối dòng chảy nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa Huế" nhằm tôn vinh văn hóa đọc ở di tích Lầu Tàng Thơ.

Triển lãm giới thiệu nhiều văn bản nói về quá trình hình thành, biên soạn, xuất bản, lưu trữ, các hoạt động của Quốc Sử Quán, và hàng chục đầu sách viết về triều Nguyễn do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xuất bản.

Tham quan miễn phí Tàng Thơ Lâu trong kinh thành Huế
Tàng Thơ Lâu là công trình kiến trúc đặc biệt trong quần thể di tích kiến trúc vốn phổ biến bằng gỗ của kinh đô triều Nguyễn. Ảnh: Heritage

Tàng Thơ Lâu là di tích lưu trữ tài liệu, công văn… quan trọng dưới triều Nguyễn và nằm ngay giữa hồ Học Hải trong Kinh thành Huế. Di tích này được hoàn thành trùng tu và mở cửa đón khách tham quan vào năm 2021.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Tàng Thơ Lâu là nơi cất giữ, bảo quản các văn kiện của các bộ: Lại, Hình, Lễ, Công, Học, Binh đã được thực hiện từ thời vua Gia Long trở đi; những hiệp ước ký kết với Pháp về đất đai, quyền cai trị tại Bắc, Trung, Nam; các tài liệu ngoại giao với các triều đại Trung Quốc... Riêng số công văn, thư tịch, sổ sách cũ của 6 bộ và các nha sau từng năm một đều phải mang đến Tàng Thơ Lâu để cất giữ và được gọi là “Thượng niên sách tịch”, nghĩa là sổ sách của năm vừa qua. Trước năm 1945, chỉ tính số sổ địa bạ của Bộ Hộ thời vua Gia Long và Minh Mạng ở đây đã lưu trữ đến 12.000 tập.

Bản thân công trình Tàng Thơ Lâu là một kiểu kiến trúc khác biệt trong quần thể di tích kiến trúc vốn phổ biến bằng gỗ của kinh đô triều Nguyễn. Tổng thể kiến trúc Tàng Thơ Lâu được thiết kế khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình. Để tránh sự lây lan của hỏa hoạn cũng như bảo vệ tư liệu gốc của quốc gia, công trình được xây dựng trên đảo giữa hồ, gồm 2 tầng, tầng trên 7 gian 2 chái, tầng dưới 11 gian, xung quanh đều được xây lan can, 4 bên lầu xây hồ vuông gọi là hồ Học Hải.

Ra mắt app chỉ đường tham quan Di tích Huế Ra mắt app chỉ đường tham quan Di tích Huế
Nhiều ưu đãi cho du khách tham quan Cố đô Huế từ 1/4-1/6/2022 Nhiều ưu đãi cho du khách tham quan Cố đô Huế từ 1/4-1/6/2022

Minh Thái

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tham-quan-mien-phi-tang-tho-lau-trong-kinh-thanh-hue-166854.html

In bài viết