Báo Singapore: Việt Nam đang vươn mình trở thành “con hổ châu Á mới”

08:59 | 12/02/2022

Theo nhật báo Business Times, Việt Nam ghi nhận mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2,6% vào năm 2021 và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ tăng tốc trong năm nay.
Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD
Tiến sĩ Philipp Rösler trở thành Đại sứ của chương trình hỗ trợ trẻ mồ côi hậu Covid-19 tại Việt Nam Tiến sĩ Philipp Rösler trở thành Đại sứ của chương trình hỗ trợ trẻ mồ côi hậu Covid-19 tại Việt Nam

Tờ Business Times (Singapore) mới đây đưa ra nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và đang trên đà vươn mình trở thành “con hổ châu Á mới”, với sự bùng nổ của thị trường bất động sản và tầng lớp giàu có.

Cụ thể, trong bài viết có nhan đề “Tiếng gầm của 1 con hổ châu Á mới”, nhật báo tài chính duy nhất của Singapore nhận định: “Từng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới, nền kinh tế Việt Nam hiện đang phát triển vượt bậc. Ngân hàng Thế giới mô tả đây là một trong những quốc gia mới nổi và năng động bậc nhất trên toàn khu vực Đông Á”.

Báo Singapore: Việt Nam đang vươn mình trở thành “con hổ châu Á mới”
Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là có những bước tiến vượt bậc và đang trên đà vươn mình trở thành “con hổ châu Á mới”. Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet

Theo tờ báo này, Việt Nam ghi nhận mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2,6% vào năm 2021, và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ tăng tốc trong năm nay.

Business Times cũng dẫn dự báo của công ty nghiên cứu tài chính DBS (Singapore) cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 8% vào năm 2022, được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ phù hợp. Bên cạnh đó, báo cáo về sở hữu tài sản mới nhất của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) ước tính, có khoảng 19.500 triệu phú USD (có tài sản trị giá ít nhất 1 triệu USD) ở Việt Nam tính đến năm 2020. Đến năm 2025, con số này dự kiến sẽ tăng vọt gần 25% lên 25 nghìn người.

Theo nhật báo này, nhiều công ty Singapore, bao gồm CapitaLand và Keppel cũng đã đầu tư mạnh vào Việt Nam để nắm bắt những cơ hội tại đây.

Cùng diễn biến liên quan, mới đây, trang ETF Trends (Mỹ) và hãng tin Sputnik (Nga) đều có bài viết đánh giá về tiềm năng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh toàn thế giới vẫn tiếp tục ứng phó với đại dịch COVID-19.

Cụ thể, Sputnik nhận định, Việt Nam đang được chú ý nhiều hơn với kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Điển hình, xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục, nhiều mặt hàng “Made in Vietnam” ngày càng hiện hữu với số lượng, thị phần lớn trên trường quốc tế. Tâm thế, vị thế của hàng hóa Việt Nam nhất là có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng được nâng cao.

Hãng tin này dẫn thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, cho thấy, năm 2021, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020 và tăng gấp 25 lần so với năm 2010. Mức kỷ lục này trở thành “kỳ tích xuất khẩu” của nhóm sản phẩm này từ trước đến nay của Việt Nam.

Năm 2021, thu hút FDI của Việt Nam vẫn đạt nhiều tín hiệu tích cực. Các dự án FDI đầu tư mới, điều chỉnh tăng vốn hàng trăm triệu USD được công bố ngay trong những ngày đầu năm 2022 cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam.

Sputnik cũng cho hay nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam đang tạo môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020, đa số doanh nghiệp FDI tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.

Bên cạnh đó, những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh, chính trị ổn định, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, cùng các điều kiện khuyến khích thương mại và đầu tư quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút FDI.

Đồng quan điểm, trang ETF Trends của Mỹ ngày 8/2 đánh giá rằng, các thị trường mới nổi như Việt Nam có thể đem đến cơ hội tăng trưởng tiềm năng cho các nhà đầu tư và việc đầu tư vào thị trường mới nổi có thể mang những sắc thái riêng vì hiệu quả hoạt động ở mỗi quốc gia khác nhau tùy theo mức độ ổn định kinh tế.

Theo ETF Trends, đại dịch COVID-19 chắc chắn tác động nhiều đến các thị trường mới nổi vào năm 2020, song một số quốc gia có khả năng ứng phó nhanh chóng đã làm giảm thiểu những tác động kinh tế của dịch bệnh. Và Việt Nam là một ví dụ điển hình nhờ phản ứng nhanh chóng và rõ ràng của chính phủ.

Kinh tế Việt Nam được đánh giá ít bị tác động hơn so với nhiều thị trường mới nổi khác, thể hiện qua việc GDP hằng năm không suy giảm mạnh do đại dịch COVID-19.

Fitch Ratings kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc lên 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023 khi nền kinh tế phục hồi.

Vải đóng hộp của Việt Nam lên kệ hệ thống siêu thị châu Á lớn nhất Pháp Vải đóng hộp của Việt Nam lên kệ hệ thống siêu thị châu Á lớn nhất Pháp
Lãnh đạo liên minh các đảng trung hữu chính thức trở thành Thủ tướng Cộng hòa Séc Lãnh đạo liên minh các đảng trung hữu chính thức trở thành Thủ tướng Cộng hòa Séc

Phan Nguyễn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bao-singapore-viet-nam-dang-vuon-minh-tro-thanh-con-ho-chau-a-moi-162969.html

In bài viết