Đảm đang như… “bố hổ”

19:12 | 01/02/2022

“Chúng tôi thường nói đùa về 7 chú hổ con đang được mình chăm sóc chẳng khác nào những em bé sơ sinh và chúng tôi như những người cha đảm đang”, đó là chia sẻ của anh Đặng Thanh Tuấn (SN 1991), nhân viên chăm sóc hổ của Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam – Save Vietnam’s Wildlife (SVW).
Nhiều du khách Singapore mong muốn đến Việt Nam du lịch Nhiều du khách Singapore mong muốn đến Việt Nam du lịch
Không khí Tết tràn ngập tại các phố phường ở Hà Nội Không khí Tết tràn ngập tại các phố phường ở Hà Nội

Bệnh nhi hổ

Ngày 1/8, trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Nghệ An) đã phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 7 con hổ trái phép từ huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) vào địa bàn Nghệ An. Do không có trung tâm cứu hộ động vật nào đủ điều kiện để nhận chăm sóc, những con hổ này sau đó đã được SVW phối hợp với Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) tiếp nhận.

Anh Tuấn cho biết, anh nhớ như in lần đầu tiên nhìn thấy 7 con hổ nhỏ bé, yếu ớt, chỉ khoảng hơn 1 tháng tuổi (con nhỏ nhất là 2,9kg, lớn nhất là 4,5kg). Chúng bị nhốt trong những chiếc lồng sơ sài, chật hẹp. Cả 7 con đều căng thẳng, khát sữa, kêu thảm thiết khiến ai cũng thấy xót xa.

Cán bộ cứu hộ cho  hổ con uống sữa để  phục hồi sức khỏe.
Cán bộ cứu hộ cho hổ con uống sữa để phục hồi sức khỏe.

Anh Tuấn kể: “Thời điểm đó, sức khoẻ của đàn hổ rất tệ, nhiều con bị tiêu chảy, mệt mỏi, yếu, lả đi… không còn sức để bú sữa. Cứ 4 giờ một lần (không kể ngày hay đêm) tôi cùng đồng nghiệp sẽ cho hổ uống sữa. Nhiều con quá yếu không đủ sức uống sữa thì chia nhiều cữ hơn, kết hợp với tiêm truyền các loại thuốc kháng sinh và men tiêu hóa để ổn định đường ruột. Cứ như vậy sau 1 tuần liên tục các cá thể hổ hồi sức dần, bắt đầu chạy nhảy chơi đùa cùng nhau. Lúc ấy tôi mới như trút bớt gánh nặng tâm lý, cảm thấy yên tâm phần nào”.

Chàng trai chăm sóc hổ sinh năm 1991 cho biết đây không phải lần đầu các cán bộ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Vườn Quốc gia Pù Mát tham gia cứu chữa, chăm sóc hổ là tang vật của những vụ vận chuyển, nuôi nhốt trái phép. Tuy nhiên việc chăm sóc những cá thể hổ nhỏ bé, sức khoẻ yếu lại bao gồm rất nhiều công việc không tên, thử thách sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cả sức bền của các nhân viên.

“Khó khăn ở giai đoạn phục hồi sức khoẻ chỉ là ban đầu. 7 chú hổ sau đó chuyển sang giai đoạn ăn dặm với nhiều thử thách mới dành cho những người chăm sóc” - anh Tuấn vui vẻ kể.

Anh nói tiếp, các nhân viên chăm sóc sẽ căn cứ vào trọng lượng của từng cá thể hổ để tính ra nhu cầu sữa, nhu cầu calo cần thiết. Ban đầu hổ sẽ làm quen với sữa pha cùng nước luộc thịt bò. Tỷ lệ nước thịt được tăng dần từ ít đến nhiều làm sao để đảm bảo mức độ hấp thụ của hổ.

Sau một tuần, cả 7 con hổ đều đáp ứng tốt, các nhân viên chăm sóc mới tiến hành chuyển sang cho ăn thịt bò chín rồi thịt bò tái, xen kẽ với uống sữa. Cuối cùng mới cho hổ chuyển sang ăn thịt hoàn toàn. Trong quá trình ăn, các nhân viên thường xuyên kiểm tra xem đường ruột có ổn định không, hệ tiêu hoá của hổ có phản ứng hay bị tiêu chảy không.

Cán bộ cứu hộ chia  khẩu phần ăn cho hổ.
Cán bộ cứu hộ chia khẩu phần ăn cho hổ.

"Công cha, nghĩa mẹ"

Sau khi tốt nghiệp Khoa Thú y Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội), từ năm 2019 đến nay, anh Tuấn về làm việc cho SVW với mong muốn đóng góp một chút sức lực của bản thân vào công việc bảo tồn động vật hoang dã. Và sự phối hợp giữa SVW và Vườn Quốc gia Pù Mát đã đưa anh đến với cơ duyên được chăm sóc 7 chú hổ nhỏ bé tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn chia thức ăn cho hổ.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn chia thức ăn cho hổ.

“Nhiều người cho rằng công việc của tôi và anh em chăm sóc hổ chỉ đơn giản là cho ăn, vệ sinh chuồng trại, theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần rất nhỏ trong số những công việc hàng ngày chúng tôi đang thực hiện. Trên thực tế, chúng tôi luôn hướng tới phúc lợi động vật. Động vật tuy trong môi trường nuôi nhốt nhưng luôn có những đồ chơi, bài tập luyện, để hoàn thiện bản năng” – anh Tuấn chia sẻ.

Không gian ở Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát chưa thật rộng rãi (do trung tâm ban đầu được xây dựng để cứu hộ và chăm sóc tê tê và các động vật ăn thịt nhỏ) để hổ có thể thoải mái vận động. Anh Tuấn đã mày mò nghiên cứu, tự chế ra nhiều trò chơi bằng gỗ để hổ tập leo trèo hay cuốn dây vào các khúc gỗ có hình thù khác nhau để hổ gặm hàng ngày, giúp cơ hàm của chúng khỏe mạnh hơn.

Hổ con đùa nghịch bên những món đồ chơi do các nhân viên chăm sóc thiết kế.
Hổ con đùa nghịch bên những món đồ chơi do các nhân viên chăm sóc thiết kế.

Sau khi được chăm sóc phục hồi sức khỏe, tiêm phòng dịch bệnh, các nhân viên sẽ tập luyện, khơi dậy bản năng của hổ bằng cách tập cho chúng leo trèo, giấu thức ăn, hoa quả vào những vị trí khó tìm như ở trên cây hay sau các bụi lá tương tự môi trường tự nhiên.

Anh Tuấn kể: “4 tháng qua, ăn ngủ cùng 7 con hổ tôi đã hiểu được chúng phần nào và gắn bó với chúng như một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, theo quy định tại trung tâm, các động vật hoang dã có khả năng tái đàn về tự nhiên không được đặt tên theo kiểu thú cưng. Đã là động vật hoang dã nếu đủ điều kiện sẽ trở về với tự nhiên vì vậy những người chăm sóc như chúng tôi cũng hạn chế tiếp xúc, âu yếm chúng” .

Thông qua các camera giấu kín, nhân viên chăm sóc sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá các cá thể hổ có vận động, leo trèo tốt không, có thể tự tìm kiếm thức ăn như trong tự nhiên không. Sau một thời gian nếu đáp ứng hổ có thể được thả về môi trường bán hoang dã hoặc trở về với tự nhiên.

Thành công của SVW và anh Tuấn là được thả những chú hổ này về rừng hoặc môi trường bán tự nhiên. Nhưng có lẽ lúc đó những bố mẹ hổ đặc biệt này cũng không dễ dàng cho cuộc biệt ly.

Tương lai nào cho 7 cá thể hổ?

Đảm đang như… “bố hổ”

Theo đại diện của SVW, việc đưa hổ về lại với tự nhiên chưa thể thực hiện ngay do hổ nuôi nhốt đã mất tập tính hoang dã, quen con người và đặc biệt việc tái thả hổ cần có một chiến lược dài hạn và kế hoạch phục hồi con mồi cho hổ trong thời gian dài.

Hiện Vườn Quốc gia Pù Mát, SVW và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm một cơ sở chăm sóc đủ điều kiện về phúc lợi để có thể chăm sóc, cứu hộ lâu dài cho 7 cá thể hổ, nhằm phục vụ mục đích giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về hổ, qua đó gián tiếp thúc đẩy công tác bảo tồn hổ ngoài tự nhiên.

Việt Nam nỗ lực phục hồi số lượng hổ trong tự nhiên

Thống kê của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) năm 2015 cho thấy, số lượng hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam chỉ còn dưới 5 cá thể. Trên trang thông tin của Sách Đỏ IUCN, hổ thậm chí còn được nhận định có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân hàng đầu của sự suy giảm này là nạn săn trộm hổ để buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp.

Đứng trước thực trạng này, trong Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022, Việt Nam đã đặt mục tiêu bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022. Để đạt được mục tiêu, Việt Nam đã đề ra 7 nhóm giải pháp chính, trong đó xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ và đề xuất xây dựng các hành lang bảo tồn sinh cảnh sống của hổ trong tự nhiên; xây dựng chương trình giám sát quần thể hổ và con mồi của hổ trong tự nhiên; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ cũng như hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ.

Cộng đồng người Việt tại các nước gặp mặt mừng xuân Nhâm Dần 2022 Cộng đồng người Việt tại các nước gặp mặt mừng xuân Nhâm Dần 2022
Gần 30 Đại sứ, nhân viên ngoại giao, các tổ chức quốc tế trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam ở làng cổ Đường Lâm Gần 30 Đại sứ, nhân viên ngoại giao, các tổ chức quốc tế trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam ở làng cổ Đường Lâm

Ngọc Châu

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dam-dang-nhu-bo-ho-161917.html

In bài viết