Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,5% trong năm 2022

17:36 | 14/01/2022

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã công bố báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tại ấn bản tháng 1/2022. Báo cáo nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP dự báo tăng lên mức 5,5% so với 2,6% năm 2021.
WB: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo đạt 5,5% năm 2022 | Kinh doanh | Vietnam+ (VietnamPlus)
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 5,5% trong năm 2022 - Ảnh minh họa.

Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Theo WB, với giả định đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong và ngoài nước thì khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Thâm hụt ngân sách và nợ công được kỳ vọng sẽ vẫn bền vững, với tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến là 58,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định.

Các chuyên gia WB cho biết, các ngành dịch vụ dự kiến sẽ phục hồi phần nào khi lòng tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng được khôi phục. Khách du lịch nước ngoài dự kiến sẽ dần quay lại từ giữa năm 2022 trở đi, qua đó giúp phục hồi ngành du lịch.

Các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu sẽ đáp ứng nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ, EU và Trung Quốc và dự kiến tăng trưởng lần lượt ở mức 3,8%, 4,4% và 5,1% trong năm 2022. Ngành nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng bằng mức giai đoạn 2020-2021, đem lại đóng góp nhỏ nhưng ổn định cho tăng trưởng.

Dự kiến, giá cả hàng hóa sẽ dịu dần trong năm 2022 khi những gián đoạn về sản xuất được xử lý. Mặc dù giá cả thương phẩm toàn cầu gia tăng trong thời gian qua là giá xăng, có thể vẫn tiếp tục tăng trong trung hạn, nhưng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ cải thiện dần trong năm 2022 và chỉ phục hồi đầy đủ vào năm 2023, vì vậy áp lực lạm phát sẽ được cải thiện.

Cũng theo chuyên gia WB, do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu, thặng dư tài khoản vãng lai sẽ chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 1,5%-2% GDP trong trung hạn. Nguồn kiều hối dự kiến đóng góp ổn định từ 18 tỷ USD đến 20 tỷ USD cho tài khoản vãng lai. Cán cân tài chính dự kiến sẽ được hưởng lợi với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định, đến nay vẫn đứng vững trong giai đoạn đại dịch và dự kiến sẽ phục hồi về các mức trước COVID.

“Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và càng trở nên thu hút hơn với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và những thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu,” chuyên gia WB nhận định.

Thúc đẩy thương mại xanh

Dù vậy, theo WB, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là trước diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.

WB cho rằng các chính sách ứng phó cẩn trọng có thể giảm thiểu những rủi ro trên. Các biện pháp về chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ tổng cầu trong nước, trong đó có tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng chi cho y tế và giáo dục.

Với tiêu đề “Không còn thời gian để lãng phí: Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam,” ấn phẩm cho rằng Việt Nam cần ưu tiên xanh hóa ngành thương mại. Thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, nhưng cũng là ngành có cường độ phát thải cácbon cao chiếm một phần ba tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước - và gây nhiều ô nhiễm.

“Thương mại sẽ là hợp phần chính trong chương trình hành động vì khí hậu của Việt Nam trong những năm tới. Thúc đẩy thương mại xanh sẽ không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà còn giữ được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đảm bảo thương mại tiếp tục là nguồn tạo thu nhập và việc làm quan trọng,” Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

Báo cáo khuyến nghị Chính phủ hành động trên 3 lĩnh vực: tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và dịch vụ xanh, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh, và phát triển các khu công nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và không phát thải cácbon.

Tại kỳ họp bất thường diễn ra đầu tháng 1/2022, Quốc hội Việt Nam đã nhất trí ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Chính sách được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực là y tế, phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số... WB dự báo, chương trình sẽ đi vào thực chất hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, giúp doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng.

Ngân hàng thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 Ngân hàng thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022
Trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp và chuỗi cung ứng chưa hồi phục, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 4,1% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021, thậm chí có thể giảm tiếp xuống còn 3,2% trong năm tới khi mà các chính phủ thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ vốn được ban hành trong thời gian đại dịch.
Việt Nam nằm trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới Việt Nam nằm trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới
Với những điểm sáng nổi bật là sản xuất công nghiệp tăng 4,81%, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 668,5 tỉ USD, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, ngành đã tận dụng rất hiệu quả các FTA thế hệ mới, giúp thị trường xuất khẩu mở rộng, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào về cả thể chế và hạ tầng Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào về cả thể chế và hạ tầng
Hai bên tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, tập trung đẩy thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại, phấn đấu đạt múc tăng ổn định từ 10% trở lên so với năm 2021.

Đông Phong

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ngan-hang-the-gioi-du-bao-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam-dat-55-trong-nam-2022-161381.html

In bài viết