Mục tiêu chính của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tầm nhìn 2025

07:08 | 16/10/2021

Cộng đồng Văn hoá – Xã hội có vai trò đặc biệt, vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở của xây dựng và củng cố Cộng đồng ASEAN. Mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN được cụ thể hóa thông qua các chương trình hợp tác cụ thể.
Mục tiêu chính của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tầm nhìn 2025

Trang phục truyền thống của các nước ASEAN tại Triển lãm Trang phục truyền thống các nước ASEAN 2020.

Trong mối quan hệ giữa ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hoá – Xã hội), Cộng đồng Chính trị - An ninh tạo điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng, hình thành, và củng cố Cộng đồng ASEAN. Bởi một khu vực không được bảo đảm những điều kiện tối thiểu về hòa bình, an ninh, ổn định, công bằng, dân chủ và đồng thuận, thì khó có thể nói đến sự phát triển bền vững.

Cộng đồng kinh tế đóng vai trò là động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao đời sống và phúc lợi của người dân, gia tăng tăng trưởng, thịnh vượng của toàn khu vực. Trong khi đó, Cộng đồng Văn hoá – Xã hội có vai trò đặc biệt, vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở của xây dựng và củng cố Cộng đồng, bởi mục tiêu cao nhất và mục đích chính của Cộng đồng ASEAN là hướng đến người dân làm trung tâm, bảo đảm người dân có điều kiện phát triển đầy đủ cả thể chất lẫn tâm hồn, sống trong một xã hội hài hòa, chia sẻ, ổn định, phát triển.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN với Tầm nhìn tới 2025 hướng tới 5 mục tiêu lớn: Một là, thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thông qua các biện pháp: tăng quyền cho người dân và tăng cường các thể chế bảo đảm nhằm thu hút sự tham gia của các nhóm/giới vào các tiến trình của ASEAN.

Hai là, đáp ứng tốt hơn lợi ích của người dân về phúc lợi, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, quyền con người, giảm nghèo, y tế, việc làm, giáo dục và thông tin. Ba là, xây dựng cộng đồng bền vững với việc bảo tồn và quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Bốn là, nâng cao năng lực để cùng xử lý những thách thức, thông qua các biện pháp tăng cường khả năng dự báo, xử lý và quản lý thảm họa. Năm là, tạo môi trường thuận lợi (chính sách, thể chế) để khuyến khích người dân và doanh nghiệp thích ứng, đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm hơn và xây dựng văn hóa kinh doanh trong ASEAN.

Mục tiêu chính của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tầm nhìn 2025

Ngày 7/10/2003, tại Bali (Indonesia), 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II.

Theo Tuyên bố hòa hợp ASEAN II, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN có những mục tiêu chính sau: Thực hiện mục tiêu nêu trong Tầm nhìn 2020 về xây dựng một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau; Hợp tác trong lĩnh vực phát triển xã hội nhằm nâng cao đời sống của các nhóm người có hoàn cảnh bất lợi, người dân ở nông thôn; khuyến khích sự tham gia tích cực của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và các cộng đồng địa phương; Đảm bảo để những người lao động trong khu vực được chuẩn bị sẵn sàng và được hưởng lợi từ tiến trình liên kết kinh tế khu vực, thông qua việc đầu tư thêm nguồn lực cho giáo dục tiểu học và cao đẳng, đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, tạo công ăn việc làm và được đảm bảo về mặt xã hội; Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, bao gồm cả việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS và SARS và ủng hộ các nỗ lực khu vực để người dân có thể tiếp cận nhiều hơn đối với các loại thuốc thông thường; Bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy giao lưu giữa các học giả, văn nghệ sĩ, những người làm trong ngành truyền thông để bảo tồn và nâng cao giá trị của các di sản văn hoá đa dạng, đồng thời xây dựng bản sắc khu vực, nhận thức của người dân về ASEAN; Tăng cường hợp tác để giải quyết những vấn đề liên quan tới tăng trưởng dân số, thất nghiệp, môi trường xuống cấp và ô nhiễm xuyên biên giới, quản lý thiên tai.

Để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố Bali II, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10, Viên chăn, Lào, tháng 11/2004, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch hành động Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC POA), tập trung vào các mục tiêu cụ thể nằm dưới 4 thành tố chính gồm: Xây dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau; Quản lý tác động xã hội của liên kết kinh tế; Nâng cao tính bền vững của môi trường và Tăng cường các nền tảng cho sự gắn kết xã hội trong khu vực.

Cũng tại Hội nghị này, các Nhà lãnh đạo đã thông qua Chương trình hành động Viên-Chăn (VAP) bao gồm các hoạt động nhằm triển khai xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN. Về ASCC, VAP nêu các hoạt động dưới 4 thành tố chính gồm: Tạo dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc; Giải quyết những tác động xã hội của hội nhập kinh tế; Phát triển môi trường bền vững; iv) Nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN, tương ứng với những nội dung ưu tiên đề ra trong ASCC POA.

Hiện nay, kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN gồm 6 thành tố chính: Phát triển con người; Phúc lợi và bảo hiểm xã hội; Các quyền và bình đẳng xã hội; Đảm bảo môi trường bền vững; Tạo dựng bản sắc ASEAN; Thu hẹp khoảng cách phát triển và 40 thành tố cùng với 340 biện pháp thực hiện trong giai đoạn 2009-2015 cũng như thể chế thực hiện và giám sát.

Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể ASCC đang được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực và tập trung vào 6 thành tố chính kể trên. Về phát triển nguồn nhân lực: ASEAN khuyến khích phát triển giáo dục suốt đời và sử dụng ICT như những phương tiện thúc đẩy nền giáo dục ASEAN và nâng cao nhận thức về ASEAN. Về phúc lợi và bảo trợ xã hội: ASEAN tập trung hợp tác y tế ngăn ngừa và kiểm soát bệnh dịch truyền nhiễm, HIV và AIDS, các bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi khác; giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng, xây dựng ASEAN không có ma túy, dự phòng và ứng phó thiên tai thảm họa v.v. Về các quyền và công bằng xã hội: ASEAN đẩy mạnh hợp tác thúc đẩy và bảo vệ quyền của các nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, người lao động di cư v.v.; Về bảo đảm bền vững môi trường: ASEAN tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức môi trường xuyên biên giới như ô nhiễm khói mù, chất thải, bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu. Về xây dựng bản sắc ASEAN và nâng cao ý thức cộng đồng: ASEAN chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, thúc đẩy trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, đề cao nguyên tắc thống nhất trong đa dạng, tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ giữa người dân về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và văn minh.

ASEAN khẳng định tinh thần cộng đồng, từng bước phục hồi kinh tế ASEAN khẳng định tinh thần cộng đồng, từng bước phục hồi kinh tế
Sau 3 ngày họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Brunei - nước giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2021, kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị cấp cao liên quan một lần nữa khẳng định năng lực, vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.
Phục hồi kinh tế ASEAN cần sự đồng hành, chủ động của doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới Phục hồi kinh tế ASEAN cần sự đồng hành, chủ động của doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rất cần sức sống, sự chủ động và sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp để thích ứng với dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Việt Nam chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN Việt Nam chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN
Nhận lời mời của Quốc vương Brunei, Chủ tịch ASEAN năm 2021, Hasanal Bolkiah, từ ngày 26-28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN.

Khánh An

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/muc-tieu-chinh-cua-cong-dong-van-hoa-xa-hoi-asean-tam-nhin-2025-156589.html

In bài viết