Ban hành quy định mới về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

16:07 | 10/11/2021

Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Theo đó, Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi quy định về mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc như sau:

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên (trừ cơ sở hạt nhân): Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Trong mọi trường hợp, mức phí bảo hiểm không được thấp hơn mức phí bảo hiểm tương ứng với 1.000 tỷ đồng nhân (x) tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này”.

Đối với cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Quy định mới về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Ảnh minh họa

Bổ sung quy định về giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Nghị định 97/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm.

Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây: Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy);

Địa chỉ tài sản được bảo hiểm; Tài sản được bảo hiểm; Số tiền bảo hiểm; Mức khấu trừ bảo hiểm; Thời hạn bảo hiểm; Tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm; Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm; Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định trên.

Sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy được sử dụng như sau: Hỗ trợ trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Chi cho nội dung này không vượt quá 65% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.

Ngoài ra, hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Chi cho nội dung này không vượt quá 15% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.

Nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy cũng được dùng để hỗ trợ lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong các hoạt động sau: Điều tra nguyên nhân vụ cháy; bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; giám sát việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Chi cho nội dung này không vượt quá 15% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.

Hỗ trợ khen thưởng thành tích của tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Chi cho nội dung này không vượt quá 5% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.

Nghị định cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, cá nhân này có trách nhiệm xác định hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E của cơ sở sản xuất công nghiệp đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy.

Nghị định 97/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/12/2021.

Chính sách bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh COVID-19

Chính sách bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh COVID-19

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta, với việc nhìn nhận rõ những tác động của đại dịch, Chính phủ đã kịp thời có những biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương có thể vượt qua đại dịch. Trong đó, có thể thấy rõ vai trò chủ đạo của các chính sách bảo hiểm xã hội.

Phát triển thị trường bảo hiểm minh bạch, bền vững và an toàn

Phát triển thị trường bảo hiểm minh bạch, bền vững và an toàn

Trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn.

Chính sách bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trước Covid -19

Chính sách bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trước Covid -19

Ngay từ khi đại dịch Covid -19 xuất hiện ở Việt Nam, với việc nhìn nhận rõ những tác động của đại dịch, Chính phủ đã kịp thời có những biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương có thể vượt qua đại dịch. Trong đó, có thể thấy rõ vai trò chủ đạo của các chính sách bảo hiểm xã hội.

Đông Phong

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ban-hanh-quy-dinh-moi-ve-bao-hiem-chay-no-bat-buoc-156069.html

In bài viết