Cốm Mễ Trì – hương mùa thu đi cùng năm tháng

21:54 | 02/11/2021

Nhắc đến mùa thu Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến cốm, một thức quà dân giã chứa đựng tinh tuý của đất trời. Cùng với làng cốm Vòng, Mễ Trì cũng là một ngôi làng mang hương vị mùa thu Hà Nội đi cùng năm tháng.

Những ngày tháng Mười này, làng cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại nhộn nhịp tiếng chày giã cốm trở lại sau gần 2 tháng giãn cách vì dịch bệnh Covid-19. Cốm là món ăn nổi tiếng của làng Mễ Trì nói riêng và của mảnh đất Hà Thành nói chung. Hương vị mộc mạc, dân giã, không gây ấn tượng mạnh ngay khi cho vào miệng, nhưng dư vị ngọt thơm, thanh mát của nó đọng lại mới khiến bao người đắm say.

Cốm Mễ Trì – Một đặc sản của mùa thu Hà Nội
Cốm Mễ Trì – Một đặc sản của mùa thu Hà Nội

Ngôi làng mang hương vị thế kỉ

Nghề làm cốm ở Mễ Trì có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ nay. Tại đây hiện có hơn 80 hộ ở cả 2 tổ dân phố (khu Thượng và khu Hạ) vẫn theo nghề làm cốm và hơn 300 hộ kinh doanh cốm nhỏ lẻ. Nghề cốm Mễ Trì còn được đưa vào Danh mục 17 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào tháng 2/2019.

Bà Nguyễn Thị Lạng, một người làm cốm lâu năm kể lại, nghề làm cốm ở Mễ Trì có từ khi nào cũng không rõ. Chỉ biết ngày xưa từ lúc 12 tuổi, bà đã biết làm cốm với ông bà nội, 14 tuổi là theo bố mẹ ra chợ bán cốm. Đến nay con trai thứ ba của bà cũng nối nghiệp, tính ra là đời thứ tư làm cốm trong gia đình. Qua bao năm, người làng Mễ Trì vẫn nối tiếp nhau giữ gìn hương vị truyền thống mà ông cha để lại.

Bà Nguyễn Thị Lạng – một người làm cốm lâu năm ở Mễ Trì
Bà Nguyễn Thị Lạng – một người làm cốm lâu năm ở Mễ Trì

Thức quà quê chứa đựng tinh tuý đất trời

Những hạt cốm nhỏ nhắn, mang hương vị nguyên bản của lúa non, chẳng thêm bớt bất cứ thứ gì, vậy mà để làm ra nó thì cần thật nhiều sự công phu.

Làng cốm Mễ Trì có hai vụ là vụ chiêm và vụ mùa. Vụ chiêm ngắn ngày chỉ vỏn vẹn từ rằm tháng Tư đến đầu tháng Năm âm lịch, còn vụ mùa kéo dài từ rằm tháng Bảy tới hết tháng Mười âm lịch. Cả năm chỉ có vài tháng vào mùa, nên cả làng nhà nào cũng tranh thủ làm cốm, từ 2 giờ sáng đã nhộn nhịp tiếng chày, tiếng gọi nhau ra đồng í ới.

Lúa non được người dân trong làng thu hoạch từ tờ mờ sáng khi bông lúa còn trĩu nặng, ướt đẫm sương đêm. Phải chọn những bông căng mọng đều nhau, bấm còn ra sữa thì mới tạo nên những mẻ cốm xanh, ngọt và dẻo thơm. Lúa non được tuốt ra bằng máy, rồi cho vào thùng to đãi. Những hạt chắc, mẩy nhất được vớt ra, để ráo nước rồi mang về rang.

Cốm Mễ Trì – hương mùa thu đi cùng năm tháng
Cốm Mễ Trì – hương mùa thu đi cùng năm tháng
Những hạt lúa non chắc mẩy, mọng sữa được lựa chọn kỹ càng

Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục cho nóng đều. Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than, không đốt than mà dùng củi. Chảo rang cốm thường làm từ gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong không bị cháy, vẫn mềm dẻo và thơm.

Cốm rang xong để nguội rồi cho từng mẻ vào cối, giã đều vừa tay, khi thấy có trấu thì xúc ra, xẩy bỏ trấu rồi lại giã tiếp. Một mẻ lúa non khoảng 10kg sẽ cho ra khoảng 2kg cốm. Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng bảy lần giã là hoàn tất.

Khi giã xong, cốm sẽ được gói trong hai lớp lá rồi buộc bằng những sợi rơm vàng. Nhờ vậy cốm vừa giữ được vị thơm, không bị khô, không phai đi màu xanh ngọc, lại mang hương lá sen thoang thoảng.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của máy móc, cơ giới hóa trong các công đoạn, người làm cốm tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí sản xuất, nhưng không vì thế mà cốm Mễ Trì mất đi hương vị riêng vốn có.

Cốm được rang trên bếp củi, đảo đều liên tục để không bị cháy
Cốm được rang trên bếp củi, đảo đều liên tục để không bị cháy

Món ăn dân giã gây thương nhớ

Theo thời gian, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng làng nghề cốm Mễ Trì vẫn giữ được những nét tinh túy từ xưa, đọng thành cái hồn riêng cho làng. Điểm khác biệt của cốm Mễ Trì chính là nguyên liệu: bởi làm từ lúa chiêm nên hạt cốm mỏng, dẻo và rất thơm.

Mình làm cốm ngon và giá cả phải chăng, nên khách toàn tự tìm đến nhà mình để mua cốm. Từ các cửa hàng ở hàng Than, hàng Bè, chợ Đồng Xuân, họ thường gọi điện trước để đặt hàng, hôm sau đến lấy là có luôn, không phải mất thời gian chờ”, bà Nguyễn Thị Lạng chia sẻ.

Cốm Mễ Trì thơm ngon, gói gém cả hương vị mùa thu Hà Nội
Cốm Mễ Trì thơm ngon, gói gém cả hương vị mùa thu Hà Nội

Cốm ngày nay không đơn thuần là thức quà ăn chơi, nó còn được kết hợp để tạo nên hương vị mới lạ cho nhiều món ăn như chả cốm, chè cốm, xôi cốm, bánh cốm… Những vị khách phương xa đến Hà Nội không thể không mang ít cốm về làm quà. Cốm Mễ Trì từ đó đi theo những người con quê hương, đặt chân đến nhiều vùng đất trên thế giới, làm nên thương hiệu của một món ăn độc đáo mang nét ẩm thực Việt.

Vị truyền thống hội nhập xu thế mới

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đặc biệt vì trải qua những đợt giãn cách đúng vào thời điểm diễn ra vụ mùa chính, nên làng cốm Mễ Trì cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng. Việc thu hoạch nguyên liệu gặp nhiều cản trở, sản phẩm làm ra cũng không được tiêu thụ rộng rãi như trước.

Trong cái khó, người làm cốm cũng tìm cách thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Một số gia đình vẫn duy trì làm cốm với số lượng ít, rồi tìm tòi đưa mặt hàng cốm lên các kênh bán hàng trực tuyến. Thức quà quê giờ đây cũng không nằm ngoài xu hướng hội nhập với phương thức bán hàng mới.

Người làng Mễ Trì phấn khởi khi làng cốm đỏ lửa trở lại
Người làng Mễ Trì phấn khởi khi làng cốm đỏ lửa trở lại

Những ngày cuối tháng Mười, Hà Nội nới lỏng giãn cách, người dân trong làng ai nấy đều phấn khởi, tất bật ra đồng thu hoạch lúa, gấp rút làm ngày đêm để hoàn thiện đơn đặt hàng cả cũ và mới. Làng cốm lại đỏ lửa, tiếng xay xát, sàng và giã cốm lại nhộn nhịp sớm tối, mang theo một hương vị thanh tao đi tiếp cùng năm tháng.

Những món quà Trung thu bé nào cũng thích mê Những món quà Trung thu bé nào cũng thích mê
Gợi ý những món quà Trung thu cho các bé nếu bố mẹ đang chưa biết lựa chọn cho con. Chắc chắn các bé sẽ rất thích đấy nhé.
Văn cúng Rằm tháng 7 theo sách cúng cổ truyền Việt Nam Văn cúng Rằm tháng 7 theo sách cúng cổ truyền Việt Nam
Văn cúng rằm tháng 7 cúng như thế nào để xua tan vận xui, nghênh đón vận may về cho gia chủ?
Bài cúng, văn cúng ngày mùng 1 tháng Chạp năm 2020 Âm lịch Bài cúng, văn cúng ngày mùng 1 tháng Chạp năm 2020 Âm lịch
Ngày hôm nay tính theo lịch âm rơi vào ngày mùng 1 tháng 12 năm 2020 (tháng cuối năm Canh Tý). Cùng xem bài văn khấn ngày mùng 1 tháng Chạp đầy đủ để mong gia chủ sức khỏe, tháng cuối năm may mắn tài lộc vào nhà.

Lê Phương Linh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/com-me-tri-huong-mua-thu-di-cung-nam-thang-155360.html

In bài viết