“Cuộc chiến kép” trên đường biên Tổ quốc

17:30 | 08/10/2021

Trong hành trình ghi lại hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng thực hiện nhiệm vụ “kép” trên biên giới, dấu ấn không phai mờ trong mỗi trái tim chúng tôi là lá cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay trong gió lộng. Ở nơi đó, gần 2 năm qua, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã đứng vững trong bão lũ, mưa tuyết, rét buốt và nắng lửa để góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến đấu với “kẻ thù vô hình” - Covid-19, đấu tranh với các loại tội phạm, kịp thời giúp nhân dân vượt qua thiên tai, hoạn nạn. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng đó của các anh đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc Luật Cảnh sát biển Việt Nam góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc
Lan tỏa chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" Lan tỏa chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"
Mảng xanh trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc Mảng xanh trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc

Gần 2 năm qua, trên các tuyến biên giới, biển đảo của nước ta, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, cùng với các lực lượng và nhân dân lập nên phòng tuyến vững chắc, quyết không để dịch Covid-19 lây lan qua biên giới. Và chính trong lúc gian khó, hiểm nguy đó, lại thấy rõ hơn bao giờ hết hình ảnh lăn xả, sự hy sinh thầm lặng của người lính Biên phòng trung dũng, kiên gan trên những đường biên Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, BĐBP Long An quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Đăng Bảy

Lặng thầm vượt khó

Tại chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 số 27, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, BĐBP Kiên Giang, mới 1 giờ sáng, đội tuần tra 5 người, gồm các lực lượng Biên phòng, Quân sự, Công an đã lên đường. Mặc cho gió thổi ràn rạt, sương rơi ướt áo, các anh vẫn lặng lẽ, âm thầm làm nhiệm vụ. Sau gần 3 giờ tuần tra, kiểm soát đoạn biên giới phụ trách, tổ tuần tra trở về chốt. Thượng tá, Đồn trưởng Nguyễn Văn Tùng chia sẻ: “Không phải lần nào anh em đi tuần tra biên giới cũng phát hiện các vụ xuất nhập cảnh (XNC) trái phép hoặc buôn lậu. Nhưng nếu không thấy mình xuất kích, thì các đối tượng sẽ lợi dụng để “hành sự”. Gần 2 năm rồi, đêm nào cũng vậy, tùy tình hình, sẽ tổ chức tuần tra sớm hay muộn, có đêm chúng tôi đi 3-4 lần”.

Không chỉ ở Kiên Giang, mà dọc theo đường biên giới trải dài từ miền Bắc, qua miền Trung rồi đến miền Nam, ở hàng trăm tổ, chốt, trên hàng nghìn gương mặt sạm nắng, gió của bộ đội vì ròng rã 2 năm trời bám chốt, bám đường biên, luôn thể hiện sự cố gắng và niềm tin về ngày chiến thắng.

Không ai kể về những khó khăn, vất vả trên biên giới, nhưng hình ảnh từ những ngày đầu tiên dựng chốt đã nói lên phần nào sự can trường của người lính trên mặt trận PCD. Đó là sự khắc nghiệt bởi ngày nắng nóng, đêm lạnh buốt ở vùng núi phía Bắc. Ở biên giới miền Trung là đủ các hình thái thời tiết từ nắng cháy khô kiệt đến mùa mưa bão, giông lốc, lũ cuốn. Đó là vắt rừng, kiến, bọ cạp, muỗi bay như ong vỡ tổ về mùa mưa ở biên giới Tây Nguyên và vùng Tây Nam Bộ. Nguy hiểm nhất là bò cạp và các loài rắn độc luôn rình rập. Rắn cuộn tròn trong giày, rắn chui vào tận ba lô của bộ đội là “chuyện thường ngày” ở chốt...

Từ những bỡ ngỡ lúc đầu ở tuyến biên giới phía Bắc - nơi khởi điểm của công tác PCD, trải qua gần 2 năm bám chốt, bám đường biên, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã thuần thục hơn trong xử lý với các thủ đoạn của bọn tội phạm trong giai đoạn “bình thường mới”. Tùy tình hình, thực tế của địa phương, một số đơn vị đã có cách làm hay, sáng tạo để không ngừng nâng cao hiệu qua công tác PCD.

Ở Long An, nhiều đồng ruộng, đường khó đi, dân cư ở cách xa nhau, các đồn Biên phòng đã dùng xe đạp đi tuần tra, để đến được từng ấp, từng cụm nhỏ dân cư. Ở Kiên Giang, nơi có nhiều sông, kênh rạch chằng chịt, mưa lốc thất thường, một số đồn Biên phòng tổ chức tập cho bộ đội bơi lội, tập cách chạy vỏ lãi, cách sơ cứu người bị đuối nước... Ở Bình Phước, anh em ở chốt Biên phòng truyền cho nhau các kinh nghiệm “bỏ túi” như dùng dầu nhớt đổ xung quanh lán để hạn chế vắt “mò” vào lán trại. Khi đi tuần tra, ngoài việc mặc thêm đồ bảo hộ, các anh còn phải lấy xà phòng chà xát vào quần áo, giày, mũ. Những khu vực “nhạy cảm” như cổ, mặt thì xoa thêm nhiều dầu gió...

Dựng “pháo đài” lòng dân

Biên giới, biển đảo nước ta dài, rộng, địa hình hiểm trở, muốn hoàn thành nhiệm vụ giữ yên “phên dậu”, phải biết dựa vào dân. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bằng nhiều hình thức, cách làm trực quan, sinh động, BĐBP đã cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng thuyền” để vận động nhân dân nâng cao ý thức PCD, tố giác tội phạm và các hoạt động liên quan đến XNC trái phép.

Từ phong trào “Toàn dân tham gia PCD Covid-19 và XNC trái phép” ở khu vực biên giới do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động tháng 5-2021, đến nay, đã có gần 700.000 hộ gia đình và gần 4.800 chủ tàu, thuyền ở 988 xã, phường, thị trấn biên giới ký cam kết thực hiện các nội dung PCD và tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm. Từ tin báo của nhân dân, hàng trăm vụ vi phạm quy chế biên giới, XNC trái phép và buôn lậu đã được các đơn vị Biên phòng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Phong, Chính ủy BĐBP An Giang, mấu chốt của việc hạn chế dịch bệnh lây lan qua biên giới chính là phát hiện, ngăn chặn các hành vi XNC trái phép. Hiện nay, trên tuyến biên giới dài khoảng 100km, BĐBP An Giang thường xuyên duy trì trên 200 tổ, chốt PCD. Cùng với đó, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay, đưa đón người ở Campuchia hoặc người từ vùng dịch trở về bất hợp pháp.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang tuần tra biên giới. Ảnh: Văn Khánh

Từ cao nguyên đá Hà Giang, trải dài qua miền Trung, Tây Nguyên, đến vùng cực Nam của Tổ quốc, ở bất cứ đâu trên biên giới nước ta, ở chốt Biên phòng nào cũng thấy sự hiện diện của việc tăng gia sản xuất, thấy màu xanh dịu mát của những luống rau, những giàn mướp, bầu bí trĩu quả. Rất nhiều đơn vị còn làm chuồng nuôi heo, ngan, gà, vịt, đào ao thả cá, trồng cây ăn trái... tính kế lâu dài trụ lại biên cương cho đến khi đẩy lùi được dịch Covid-19. Vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đã có khoảng 250 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng gác việc riêng, hy sinh chuyện gia đình để ở lại tuyến đấu chống dịch. Trong đó, có gần 50 đồng chí có bố, mẹ, người thân mất, có hàng trăm đồng chí có người nhà ốm nặng hoặc vợ mới sinh con nhưng không về, hàng trăm đồng chí hoãn cưới. Đặc biệt, vì nhiệm vụ, đã có 3 cán bộ Biên phòng hy sinh ngay tại tuyến đầu chống dịch.

“Cuộc chiến” ngăn chặn đại dịch Covid-19 còn trường kỳ, với nhiều gian nan, thử thách. Nhưng trên những nẻo đường biên cương của Tổ quốc, người chiến sĩ Biên phòng vẫn luôn vững tư tưởng, bền ý chí, sắt son một lòng với Đảng, nguyện cống hiến hết sức mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Với niềm tin mãnh liệt, họ hẹn nhau, một ngày không xa, khi dịch bệnh được đẩy lùi, sẽ trở về thăm cha mẹ, gia đình và quê hương...

Vùng biên, dưới biển căng sức chống dịch Vùng biên, dưới biển căng sức chống dịch
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình luôn nhấn mạnh là kiểm soát chặt các nguồn dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh, trong đó, tuyến biên giới đất liền, ven biển được xác định có nguy cơ cao. Cùng với nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trong gần 2 năm qua, những người lính mang quân hàm xanh nơi đây luôn nỗ lực hết mình để kiểm soát dịch bệnh, giữ bình yên cuộc sống của nhân dân.
Nậm Pồ - mùa gặt vùng biên Nậm Pồ - mùa gặt vùng biên
Những ngày này đến với mảnh đất biên cương Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đâu đâu cũng được thấy những cánh đồng lúa chín nhuộm vàng các bản làng vùng cao.
Đổi thay ở một xã vùng biên Đổi thay ở một xã vùng biên
Trong câu chuyện với cán bộ xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và nhiều hộ dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một xã vùng cao biên giới.

PV

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cuoc-chien-kep-tren-duong-bien-to-quoc-153049.html

In bài viết