THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 84/NQ-CP NGÀY 29/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ

Cần hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp FDI "vượt khó"

18:01 | 12/10/2021

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp gần như kiệt quệ và sức chống đỡ đã cạn dần. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc cần thiết lúc này là tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, kết hợp với triển khai thêm giải pháp mới để giúp doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn.
Cần thêm các giải pháp để “cởi trói” cho doanh nghiệp trong tình hình mới
Cần thêm các giải pháp để “cởi trói” cho doanh nghiệp trong tình hình mới - Ảnh minh họa

Sức chống đỡ của doanh nghiệp đã yếu

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, ảnh hưởng của đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt trong quý III/2021.

Theo bà Hương, các doanh nghiệp thời gian vừa rồi đã cũng rất chủ động ứng phó với dịch Covid-19 nhưng tiềm lực và sức chống chịu có hạn do đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ (chiếm đến 98% số doanh nghiệp). Do đó, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, sức chống đỡ giảm dần, các doanh nghiệp cũng chưa thể lạc quan trong thời gian ngắn hạn

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh minh họa
Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự sụt giảm mạnh cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký.

Cụ thể, tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng tháng 9/2021, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký và tăng 15% về số lao động so với tháng 08/2021; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 62,2% về số doanh nghiệp, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động.

Mặt khác, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 9 tháng năm 2021 tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 17,4%; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH GROW Việt Nam, cho biết: "Trong thời gian nhiều tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, phía công ty tôi gặp rất nhiều khó khăn khi duy trì hoạt động. Cụ thể, những tháng giãn cách vừa rồi, hàng hóa không thể lưu thông được, do đó doanh thu đã giảm rất là nhiều. Ngoài ra, các loại phí vận chuyển, phí lưu kho,... cũng tăng lên rất nhiều khiến công ty gặp không ít khó khăn".

Còn ông Ngô Kim Cương, Phó Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Trung ương VIHECO, cho biết: "Công ty đã phải tạm dừng nhiều hoạt động bởi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã làm ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu của công ty. Do đó, mong muốn lớn nhất của bản thân tôi và phía công ty lúc này là dịch bệnh Covid-19 sớm được đẩy lùi để có thể hoạt động lại bình thường".

Cùng với đó, cả hai đại diện của các công ty trên đều bày tỏ niềm hy vọng Chính phủ sẽ quan tâm hơn với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới. Theo đó, Chính phủ có thể hỗ trợ cho phía doanh nghiệp vay vốn để trang trải được tài chính sau giãn cách, cũng như nới rộng đối tượng được hưởng trong các gói hỗ trợ trước đó.

Cần thêm các giải pháp để “cởi trói” cho doanh nghiệp trong tình hình mới

Cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Cần thêm các giải pháp để cùng doanh nghiệp “vượt khó”

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) nhận định: “Số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng đã gây áp lực giải quyết việc làm cho thị trường lao động. Đồng thời, làm tăng nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới. Những doanh nghiệp đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”.

Theo ông Thúy, các gói hỗ trợ tổ chức, cá nhân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ đưa ra trong thời gian qua rất thiết thực và kịp thời nhưng các cấp triển khai còn hạn chế nên bộ phận doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.

Để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới ngoài việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm.

Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho rằng, Chính phủ tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như: hỗ trợ giãn, hoãn, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, chi phí cho người lao động phải nghỉ việc, thất nghiệp,...

Mặt khác, cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Ngoài ra, Chính phủ có thể miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

Các địa phương cần có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

Đồng quan điểm cho các kiến nghị nêu trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá Việt Nam đang dần kiểm soát được dịch bệnh và nền kinh tế đang có điều kiện để phục hồi. Do đó, việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hiện tại là hết sức cần thiết.

WHO: Kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục WHO: Kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo, hoạt động thương mại trên thế giới có thể đạt mức tăng trưởng tới 10,8% trong năm 2021, như vậy là tăng thêm 2,8% so với mức dự báo công bố tháng 3 vừa qua. Cùng với đó, mức dự báo tăng trưởng thương mại cho năm 2022 là 4,7%, tăng 0,7%.
Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc hỗ trợ tỉnh đón công dân ở vùng dịch về quê Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc hỗ trợ tỉnh đón công dân ở vùng dịch về quê
Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại tỉnh Vĩnh Phúc vừa ủng hộ tỉnh Vĩnh Phúc 2 tỷ đồng để hỗ trợ thuê phương tiện đón công dân Vĩnh Phúc tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trở về địa phương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri doanh nghiệp TP.HCM Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri doanh nghiệp TP.HCM
Ngày 2/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có cuộc tiếp xúc cử tri với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tào Đạt

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/can-ho-tro-von-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-ho-tro-doanh-nghiep-fdi-vuot-kho-152870.html

In bài viết