Gỡ vướng thủ tục đầu tư cho ngành điện

Bài 1: Dự án “đắp chiếu” vì chờ quy hoạch sử dụng đất

12:37 | 29/09/2021

Trong lúc tin tức về dịch Covid-19 tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thông tin Trung Quốc thiếu điện trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh có vẻ không thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, Việt Nam có nên bàng quan trước những sự kiện này hay không?
Chính phủ đồng ý giảm giá điện đợt 5 cho nhiều đối tượng khách hàng (Ảnh minh họa)
Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam hiện nay ước tính tăng trưởng khoảng 8%/năm (Ảnh minh họa).

Trong lúc tin tức về dịch Covid-19 tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thông tin Trung Quốc thiếu điện trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh có vẻ không thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, Việt Nam có nên bàng quan trước những sự kiện này hay không? Việc xây dựng các dự án điện ở Việt Nam có kịp theo đà tăng trưởng nhu cầu về điện để tránh nguy cơ thiếu điện trong tương lai hay không…? Cùng rất nhiều câu hỏi khác được đặt ra và cần câu trả lời thấu đáo, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại nhiều dự án đang giậm chân tại chỗ khi vướng vào một “rừng” thủ tục.

Tăng trưởng nhu cầu về điện bình quân hàng năm của Việt Nam ước khoảng trên 8%, vì vậy việc đưa thêm các dự án (cả phát điện lẫn truyền tải) vào sớm là vô cùng quan trọng. Đây là điều ai cũng rõ, nhưng thực tế, rất nhiều dự án đang bị vướng vào sự bùng nhùng từ bản thân chính sách.

Từ nguồn…

Dự án thủy điện Ialy mở rộng (2 tổ máy, công suất 360 MW) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 1/2018 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt đầu tư ngày 27/9/2019.

Dự án có 4,03 ha rừng tự nhiên (trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 2,59 ha; tỉnh Kon Tum là 1,44 ha) bị ảnh hưởng, phải trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR).

Là đầu mối thẩm định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã thành lập Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) và gửi yêu cầu đến các Bộ Quốc phòng, Công an, Công thương và Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lấy ý kiến.

Sau đó trong số này chỉ có mỗi Bộ TN&MT chưa có ý kiến thẩm định, và Bộ NN&PTNT phải có văn bản đôn đốc lần 2 ngày 27/7/2021.

Theo quy định hiện hành thì diện tích CMĐSDR của các dự án phải phù hợp với kỳ quy hoạch sử dụng đất của tỉnh được Chính phủ phê duyệt. Ở đây kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, kế hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh phải được Chính phủ phê duyệt và là cơ sở để HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Mặc dù Ialy mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại chưa được chấp thuận chuyển đổi đất rừng, cụ thể là chưa có ý kiến bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất tại thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư. EVN nếu muốn bổ sung dự án vào quy hoạch sử dụng đất thì sẽ đối diện một ma trận quy trình, và phụ thuộc vào kỳ điều chỉnh bổ sung quy hoạch của mỗi địa phương, ngành và Chính phủ.

Do đó, giờ chỉ còn mỗi cách là chờ địa phương cập nhật vào nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Tất nhiên, dự án muốn làm đúng thì phải chờ, nhưng nhu cầu về điện thì không chờ, vì vậy EVN chỉ còn biết “kêu trời” khi đối mặt nguy cơ thiếu điện.

Bài 1: Dự án “đắp chiếu” vì chờ quy hoạch sử dụng đất
Nếu chậm trễ trong việc xây dựng các dự án điện, nguy cơ thiếu điện sẽ không còn xa nữa (Ảnh minh họa)

Đến lưới...

Với các dự án lưới điện tình hình cũng không khá khẩm gì hơn. Theo thông tin từ EVN, một số dự án lưới đấu điện từ Lào về Việt Nam như Trạm cắt 220kV Bờ Y và các đường dây 220kV đấu nối từ cụm nhà máy Thủy điện Nam Kong 1, 2, 3 (Lào); Trạm cắt 220kV Đăk Ooc và các đường dây đấu nối cụm NMTĐ Nam Emoun (Lào); Dự án đường dây 500kV từ nhà máy điện gió Monsoon (Lào) đến Trạm biến áp 500kV Thạnh Mỹ (đoạn trên đất của Việt Nam) cũng đều vướng khúc mắc CMĐSDR.

Lấy ví dụ dự án Trạm cắt 220kV Bờ Y và các đường dây 220kV đấu nối từ cụm nhà máy Thủy điện Nam Kong 1, 2, 3 (Lào). Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 30/9/2019, EVN bắt đầu triển khai.

Dự án này có 0,21 ha rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng, nên phải trình Thủ tướng Chính phủ xin CMĐSDR. Sau khi được Bộ NN&PTNT yêu cầu thẩm định, Bộ TN&MT cho rằng dự án chưa có trong danh mục công trình kèm theo Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Kon Tum đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như một số quy định khác về đất đai... nên thiếu cơ sở để góp ý kiến. Vì vậy đến nay mọi việc vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể.

Để tháo gỡ, hiện nay Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum đang tham mưu cho UBND tỉnh giải trình việc CMĐSDR và hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, sự việc khi nào đến hồi kết thì không ai dám nói trước.

Có thể thấy, vướng mắc ở những dự án trên gói gọn trong việc phần đất rừng muốn chuyển đổi mục đích sử dụng lại chưa được đưa vào quy hoạch. Nhiều người sẽ nói là đơn giản thôi, bổ sung luôn vào quy hoạch để gỡ vướng. Nhưng sự đời tréo ngoe ở chỗ, dù rất sốt ruột nhưng muốn làm vậy cũng không dễ vì phải chờ địa phương cập nhật vào nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau đó mới thực hiện phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của dự án.

Không thể cứ ngồi không mà đợi vì sẽ đối mặt nguy cơ thiếu điện, một cán bộ của EVN cho biết sẽ cố gắng tháo nút thắt theo hướng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương CMĐSDR đối với các dự án điện đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Hiện tại hướng đi này có lẽ là sáng sủa nhất, nhưng hy vọng là vậy, mọi việc thuận lợi hay gian nan thì vẫn còn ở phía trước.

Điện lực Miền Trung cấp điện trở lại cho 405.935 khách hàng bị mất điện vì bão số 5 Điện lực Miền Trung cấp điện trở lại cho 405.935 khách hàng bị mất điện vì bão số 5
Điện lực Miền Trung thông báo đã có 99,83% khách hàng (405.935/406.609 khách hàng) bị mất điện do ảnh hưởng của bão số 5 đã được cấp điện trở lại.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, theo đó Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng Ban.
Điện Biên đưa Nhà máy Thủy điện Huổi Vang vào vận hành Điện Biên đưa Nhà máy Thủy điện Huổi Vang vào vận hành
Ngày 14 /8/2021, tại huyện Mường Chà (Điện Biên) Tổng công ty và Công ty Điện lực Điện Biên, BQLDA lưới điện miền Bắc đã tiến hành đưa nhà máy Thủy điện Huổi Vang vào vận hành và hòa điện lưới điện 110KV quốc gia.

Lê Sơn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bai-1-du-an-dap-chieu-vi-cho-quy-hoach-su-dung-dat-152184.html

In bài viết