Đắk Lắk: Buôn làng biên giới đồng lòng vượt đại dịch

18:55 | 16/09/2021

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, người dân các buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn đoàn kết một lòng, dốc sức đẩy lùi dịch bệnh, đưa buôn làng trở về trạng thái "bình thường mới".
Những “Chuyến xe 0 đồng” ấm lòng người dân vùng biên giới Những “Chuyến xe 0 đồng” ấm lòng người dân vùng biên giới
Cảm động những cuộc hội ngộ vội trên biên giới trong trận chiến chống dịch Cảm động những cuộc hội ngộ vội trên biên giới trong trận chiến chống dịch
Chung sức, đồng lòng là sức mạnh để vượt qua đại dịch Chung sức, đồng lòng là sức mạnh để vượt qua đại dịch

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân buôn Đrao, xã Cư Né (huyện Krông Búk)

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân buôn Đrao, xã Cư Né (huyện Krông Búk)

Liên tiếp xuất hiện nhiều chuỗi ca bệnh phức tạp

Hơn 1 tháng qua, “cơn bão Covid-19” liên tiếp “tấn công” vào các buôn làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, phá vỡ cuộc sống yên bình nơi đây.

Buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) là ổ dịch Covid-19 đầu tiên và lớn nhất của tỉnh ở thời điểm cuối tháng 7/2021. Từ ca dương tính với Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 19/7, dịch bệnh đã nhanh chóng lan rộng trong buôn với 51 trường hợp mắc bệnh.

Khi dịch bệnh tại buôn Ea Bhốk vẫn đang diễn biến phức tạp, thì xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) ghi nhận ổ dịch Covid-19 tại buôn Kwăng A. Từ 1 trường hợp được phát hiện dương tính với Covid-19 tại cơ sở y tế khi đi khám chữa bệnh vào ngày 17/8, ngay trong đêm ngành Y tế thực hiện khoanh vùng, truy vết và phát hiện thêm 27 trường hợp nữa. Những ngày sau đó, số ca bệnh tại buôn Kwăng liên tục gia tăng, sau những lần xét nghiệm sàng lọc của lực lượng y tế.

Đến cuối tháng 8/2021, trong tổng số 209 hộ với gần 1.000 nhân khẩu của buôn Kwăng A đã có hơn 80 trường hợp F0 và trên 100 F1 phải đi điều trị, cách ly tập trung, hàng trăm F2 thực hiện cách ly tại nhà. Đường làng, ngõ xóm không còn bóng người dân qua lại, nhà nhà đóng cửa im lìm, cuộc sống của bà con bị đảo lộn bởi dịch bệnh.

Dịch bệnh tại buôn Kwăng A chưa kịp lắng, ngày 21/8 chuỗi ca bệnh tiếp theo được ghi nhận tại buôn Đrao, xã Cư Né (huyện Krông Búk) với 13 trường hợp và nhanh chóng lan rộng, chỉ sau 2 tuần đã tăng lên 158 trường hợp F0, hơn 300 F1. Nơi đây trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất của huyện Krông Búk và của tỉnh. Không những thế, qua điều tra dịch tễ, lực lượng y tế phát hiện chùm ca bệnh Covid-19 tại buôn Đrao còn lây lan đến buôn Kdruh, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) với 82 trường hợp dương tính với Covid-19 (tính đến ngày 13/9).

Ngoài những địa phương kể trên, từ cuối tháng 7 đến nay, tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột), xã Cư Pui (huyện Krông Bông), xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) cũng ghi nhận các chuỗi ca bệnh phức tạp tại các thôn, buôn đồng bào DTTS với hàng chục ca bệnh.

Ngay sau khi buôn Kwăng A ghi nhận chuỗi ca bệnh, buôn Gram A2, xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) đã lập chốt kiểm soát người ra, vào để bảo vệ 'vùng xanh'

Ngay sau khi buôn Kwăng A ghi nhận chuỗi ca bệnh, buôn Gram A2, xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) đã lập chốt kiểm soát người ra, vào để bảo vệ "vùng xanh"

Theo Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nay Phi La, một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh xâm nhập, bùng phát mạnh trong vùng đồng bào DTTS là do số người lao động từ các tỉnh phía Nam về Đắk Lắk tránh dịch đông, trong khi việc thực hiện cách ly tại nhà chưa tốt, dẫn đến xuất hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, do đặc thù đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào DTTS có tính cộng đồng cao, nên khi dịch bệnh bùng phát sẽ kéo theo số lượng ca mắc tăng nhanh.

Phát huy vai trò của Người có uy tín

Trước sự bùng phát mạnh của dịch bệnh trong vùng đồng bào DTTS, nhiều địa phương đã vận dụng phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng loạt các biện pháp ngay sau khi ghi nhận những ca bệnh đầu tiên, từ đó tạo hiệu quả trong khoanh vùng sớm, dập dịch nhanh.

Trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 tại các buôn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh không chỉ có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, mà còn mang đậm dấu ấn của “chiến sĩ cơ sở” là những Già làng, Trưởng buôn, Người có uy tín trong cộng đồng.

Những ngày này, khi nhiều người dân trong buôn đang đi điều trị bệnh Covid-19 và thực hiện cách ly tập trung, thì công việc “vác tù hàng tổng” của ông Y Khuê Ayun, Trưởng buôn Kwăng A, xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) càng thêm bận bịu. Hằng ngày, khoác lên mình bộ đồ bảo hộ phòng dịch, ông Y Khuê tất bật với núi công việc: Phát gạo, nhu yếu phẩm từ bên ngoài gửi vào hỗ trợ bà con; trông coi nhà cửa, vật nuôi của những hộ F0, F1 đang đi điều trị, cách ly tập trung vắng nhà; đến các hộ có F2 cách ly tại nhà nhắc nhở tuân thủ cách ly chặt chẽ... Nhờ vậy, bà con đã bớt được tâm lý hoang mang, yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Tương tự, ông Y Tôn Niê, Ban công tác Mặt trận buôn Gram A2, xã Cư Bao - buôn sát cạnh buôn Kwăng A - luôn thường trực trên các chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành biện pháp phòng, chống dịch của người dân trong buôn. Ông Y Tôn Niê cho hay, hai buôn có nhiều tuyến đường thông nhau nên nguy cơ dịch bệnh lây lan rất lớn. Thực hiện chủ trương “thôn giữ lấy thôn, buôn giữ lấy buôn”, Ban công tác Mặt trận buôn Gram A2 đã cử Người có uy tín trong cộng đồng thay nhau trực kiểm soát trên các tuyến đường chính của buôn, đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch Covid-19 và giải thích về các biện pháp phòng, chống dịch để người dân hiểu và làm theo.

Ở buôn Đrao, xã Cư Né (huyện Krông Búk) - “điểm nóng” dịch Covid-19 của tỉnh, những đảng viên, Người có uy tín trong cộng đồng không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, mà còn tích cực vận động, hướng dẫn bà con tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong chiến dịch “truy quét F0” ra khỏi cộng đồng. Buôn Đrao có 329 hộ, với 1.356 nhân khẩu, khi dịch Covid-19 bùng phát trong buôn với gần 500 trường hợp F0, F1 được ghi nhận trong một thời gian ngắn khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn.

Ông Y Tôn Niê, Ban công tác Mặt trận buôn Gram A2, xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) kiểm tra người ra vào buôn kết hợp tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch cho người dân

Ông Y Tôn Niê, Ban công tác Mặt trận buôn Gram A2, xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) kiểm tra người ra vào buôn kết hợp tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch cho người dân

Ông Y Krú Ayun, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Đrao chia sẻ: với lợi thế là người tại chỗ, nắm rõ ngôn ngữ, phong tục tập quán, hoàn cảnh bà con nên ông thuận lợi đến từng nhà tuyên truyền vận động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thực hiện 5K... Qua đó hầu hết người dân đã hiểu và chấp hành nghiêm, là cơ sở để từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Hoàng Kiên Cường, nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng cơ sở ở thôn, buôn, địa phương đã triển khai các lực lượng bám sát địa bàn cùng với trưởng buôn, Người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo tuyên truyền đến từng hộ dân về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, góp phần bảo vệ những “vùng xanh”, thu hẹp các “vùng đỏ, cam, vàng” hiện nay.

Trở lại nhịp sống bình thường mới

Ôm bó lá ngô cho bò ăn xong, ông Y Doen Mlo, ở buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) lại chuẩn bị ra đồng thăm lúa. Những công việc này mới trở lại với ông Y Doen Mlo được hơn 1 tuần nay, bởi gia đình 10 người, gồm vợ chồng ông cùng 3 người con và 5 người cháu đều bị bệnh Covid-19 từ ngày 24/7. Đến nay chỉ còn vợ ông và 1 người cháu đang điều trị bệnh, 8 người còn lại trong gia đình đã được điều trị khỏi và cũng hoàn thành xong 14 ngày cách ly tại nhà sau khi xuất viện.

Người dân buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk cắt cỏ cho đàn gia súc của gia đình

Người dân buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk cắt cỏ cho đàn gia súc của gia đình

Ông Y Doen Mlo tâm sự, khi biết cả gia đình đều là F0, trong lúc ông hoang mang, vừa lo cho sức khỏe của mọi người, vừa lo cho đàn gia súc, ruộng rẫy ở nhà thì được chính quyền địa phương cho biết sẽ cắt cử người trông coi, để gia đình yên tâm đi điều trị. Lúc xuất viện về nhà, ông rất xúc động khi thấy ruộng rẫy, heo, bò đều có người chăm sóc cẩn thận.

Ông Đào Huy Cường, Trưởng buôn Ea Bhốk cho biết, từ ca bệnh đầu tiên là người dân trong buôn trở về từ tỉnh Bình Dương được phát hiện ngày 19/7, sau 10 ngày, toàn buôn ghi nhận 51 ca bệnh, 70 hộ dân bị ảnh hưởng vì có người nhà là F0 và F1.

Chính quyền địa phương đã triển khai ngay nhiều giải pháp quyết liệt như: Phong tỏa toàn buôn Ea Bhốk, áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn xã, hỗ trợ dân sinh, bảo đảm không có hộ nào đói, thiếu ăn trong thời gian này. Nhờ vậy, đến nay, buôn đã trải qua 25 ngày không phát sinh ca bệnh mới, 44 bệnh nhân Covid-19 đã được xuất viện và hoàn thành thời gian cách ly sau điều trị. Cuộc sống của bà con bắt đầu quay trở lại với trạng thái "bình thường mới", vừa chăm lo phát triển kinh tế, vừa chủ động phòng, chống dịch.

Kiều bào chung sức vượt đại dịch Kiều bào chung sức vượt đại dịch
Với chủ đề "Kiều bào chung sức vượt đại dịch", Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đã trả lời phỏng vấn của VTV4.
Chung sức, đồng lòng là sức mạnh để vượt qua đại dịch Chung sức, đồng lòng là sức mạnh để vượt qua đại dịch
Giữa đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, hàng nghìn đơn vị máu từ Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương được chuyển đến bổ sung cho Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời cứu chữa bệnh nhân.
Vững vàng “Vành đai thép” trên biên giới Đồng Tháp Vững vàng “Vành đai thép” trên biên giới Đồng Tháp
Đồng Tháp có tuyến biên giới dài hơn 50km. Hiện tại BĐBP Đồng Tháp thường xuyên duy trì 26 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 cố định, 33 tổ công tác cơ động trên bộ và trên sông tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các địa bàn.

Kim Hoàng

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dak-lak-buon-lang-bien-gioi-dong-long-vuot-dai-dich-150960.html

In bài viết