Những điểm đến hữu nghị Việt Nam-Thái Lan

10:00 | 06/08/2021

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan (6/8/1976 - 6/8/2021), Thời Đại giới thiệu đến độc giả những điểm đến hữu nghị Việt Nam-Thái Lan.
Yêu cầu các cơ quan hữu quan phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan Yêu cầu các cơ quan hữu quan phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan
Chiều ngày 12/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Trao đổi cụ thể về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước, hai Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu quan phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan trong năm 2021, bảo đảm thiết thực, tránh hình thức.
Kỷ niệm 10 năm họp liên tịch Hội hữu nghị hai nước Việt Nam, Thái Lan Kỷ niệm 10 năm họp liên tịch Hội hữu nghị hai nước Việt Nam, Thái Lan
Hội nghị liên tịch giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan và Hội Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam diễn ra ngày 27/11 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là mốc son kỷ niệm 10 năm họp liên tịch giữa hai Hội.

Ở Thái Lan:

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani

Những điểm đến hữu nghị Việt Nam-Thái Lan
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Udon Thani. (Ảnh: Zing)

Năm 2002, chính quyền tỉnh Udon Thani và Hội Việt kiều thống nhất xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi Bác từng sinh sống - Bản Noong On, xã Chiang Phin, huyện Muon, Thái Lan, nay là thành phố Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan.

Để phát triển phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, tháng 7/1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ châu Âu về Thái Lan. Người chọn Udon Thani, vùng có đông Việt kiều sinh sống, để hoạt động. Người dân Thái Lan quen gọi Người bằng cái tên thân thương, gần gũi là Thầu Chín (hay ông già Chín). Sự giản dị, chân thành của Người đã gây dựng tình cảm thân thiết hơn của nhân dân Thái Lan đối với Bác và cách mạng Việt Nam.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani có khuôn viên rộng gần 10.000m2 và chia làm 2 phần gồm Trại Cưa và Khu đa năng. “Trại cưa”, nơi ở của Bác Hồ được phục dựng với ngôi nhà chính 3 gian lợp lá: gian giữa là nơi hội họp, học tập; gian bên trái là phòng làm việc và sinh hoạt của Bác; gian bên phải là nơi nghỉ ngơi cho anh em, đồng chí. Trong khoảng sân rộng kế bên lần lượt là giếng nước, nhà kho, nhà bếp.

Phần còn lại là khu nhà đa năng 2 tầng với sân rộng. Ở tầng 1, gian chính đặt bàn thờ Bác Hồ. Ngoài ra, các gian trưng bày giới thiệu khu di tích, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác, về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta (trong đó có bà con người Việt ở Thái Lan) dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến nay, khu tưởng niệm được đánh giá là một trong những điểm du lịch nổi tiếng và thu hút nhiều du khách của tỉnh Udon Thani khi mỗi năm đón khoảng 22 - 24 nghìn lượt khách.

Ngày 4/2/2017, chính phủ Thái Lan đã đặt tên 2 nhánh con đường nối từ tỉnh lộ 2263 vào Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là Thầu Chín 1 và Thầu Chín 2. Con đường gồm hai nhánh Thầu Chín 1 (dài 850m, rộng 6m) và Thầu Chín 2 (dài 160m, rộng 4m) giúp bà con Việt kiều ở Thái Lan lưu lại những ký ức đẹp về Bác Hồ những ngày trên đất nước Chùa Vàng thế kỷ trước.

Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh tại Phichit

Những điểm đến hữu nghị Việt Nam-Thái Lan
Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh tại xã Pamakab, tỉnh Phichit.

Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh tại xã Pamakab, tỉnh Phichit, cách Thủ đô Bangkok (Thái Lan) khoảng 350km về phía Bắc. Đây là di tích lịch sử thứ ba về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan, sau các tỉnh Udon Thani và Nakhon Phanom. Được khởi công xây dựng từ tháng 12/2013, khánh thành vào năm 2018, Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh, cùng với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn viên Trung tâm hữu nghị Thái Lan - Việt Nam ở xã Pamakab, tỉnh Phichit, Thái Lan (rộng 6.400m2). Bảo tàng gồm hai tầng trưng bày những hiện vật, chứng tích minh chứng cho mối quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan.

Làng hữu nghị Thái - Việt ở bản Mạy, Tỉnh Nakhon Phanom

Những điểm đến hữu nghị Việt Nam-Thái Lan
Nhà hợp tác - di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng hữu nghị Việt - Thái, bản Mạy, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom.

Trong số các di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan, bản Mạy thuộc huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom thể hiện khá đầy đủ những nội dung để minh chứng cho những hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Hội thân ái, Hội hợp tác, những tổ chức cách mạng tiền thân do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của Người sáng lập và cổ vũ.

Cho đến hôm nay bản Mạy vẫn giữ được gần như nguyên vẹn trong không gian dân tộc học của một làng thuần người Thái gốc Việt đã được thành lập cách đây hơn 100 năm. Người dân bản Mạy sống bằng nghề làm ruộng (trồng lúa nước), làm vườn, trồng rau, trồng cau, cây ăn quả và buôn bán khắp vùng Đông Bắc. Ngôn ngữ sử dụng giao tiếp hằng ngày bằng cả tiếng Việt và tiếng Thái.

Đầu năm 2003, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt Dự án làng hữu nghị Việt - Thái với mục tiêu giữ lại không gian dân tộc học Bản Mạy, với đền thờ Ðức Thánh Trần, Nhà hợp tác (di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh), đồng thời làm mới một số công trình, trọng tâm là khu Trung tâm thông tin với hội trường, nhà trưng bày triển lãm - thông tin giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước con người Việt Nam, về quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Thái. Khu di tích này thường xuyên thu hút rất nhiều người dân ở các tỉnh, thành của Thái Lan đến tham quan. Ngoài ý nghĩa về văn hóa và lịch sử, hai công trình lưu niệm đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, là điểm gặp gỡ của bà con Việt kiều.

Tháp đồng hồ Việt kiều lưu niệm tỉnh Nakhon Phanom

Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, một số lượng rất lớn người Việt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã qua Thái Lan làm ăn, sinh sống, tập trung nhiều ở Thị xã Thà Khẹc. Tháng 3/1946, do thực dân Pháp khủng bố, các Việt kiều ở Thà Khẹc đã di tản sang các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, trong đó nhiều nhất là tỉnh Nakhon Phanom.

Năm 1960, đáp lại bức tâm thư của Bác Hồ kêu gọi kiều bào ở Thái Lan hồi hương xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, người Việt ở Thái Lan và Nakhon Phanom háo hức đăng ký trở về. Trước khi trở về, để ghi nhớ công ơn của đất nước và con người Thái Lan đã giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn và để thế hệ sau hiểu được lịch sử của cha ông mình, những người Việt có trách nhiệm đã cùng nhau quyên góp, xây dựng công trình Tháp đồng hồ Việt kiều lưu niệm ở trung tâm tỉnh Nakhon Phanom, cạnh bờ sông Mekong.

Những điểm đến hữu nghị Việt Nam-Thái Lan
Bà con Việt kiều tham dự lễ kỷ niệm 60 năm (1960-2020) Tháp đồng hồ Việt kiều lưu niệm tại Thái Lan.

Cột tháp đồng hồ cao 50 mét được xây dựng trên con đường xinh đẹp cạnh bờ sông Mekong. Phía trên 4 mặt tháp được gắn đồng hồ, phần mái được thiết kế theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam. Phía sau cột tháp là một ngôi nhà nhỏ, nơi lưu giữ những dấu tích, tranh ảnh của người Việt. Ở trung tâm của cột tháp ghi dòng chữ “Tháp Việt kiều lưu niệm dịp hồi hương” bằng tiếng Thái và tiếng Việt.

Ở Việt Nam

“Chùa Thái Lan” Bửu Long

Chùa Bửu Long, tọa lạc tại số 81 Nguyễn Xiển (phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh ), có tên gọi chính thức là Thiền viện Tổ đình Bửu Long. Chùa thành lập từ năm 1942 và đến năm 2007, ngôi chùa mang phong cách Thái Lan này được đầu tư xây dựng và trùng tu, trở thành công trình kiến trúc tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa văn hóa Thái Lan, Ấn Độ cùng tinh hoa kiến trúc nhà Nguyễn. Du khách thường gọi đây là “chùa Thái Lan” ở Việt Nam.

Những điểm đến hữu nghị Việt Nam-Thái Lan
“Chùa Thái Lan” Bửu Long, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Các khu vực chính của chùa bao gồm: Chánh điện, tăng xá, trai đường, khách đường, tổ đường, thiền thất của chư Tăng, ni viện, ni xá và am thất của Tu nữ, tịnh nhân.

Chùa Bửu Long nằm giữa núi rừng thiên nhiên. Phía trước chùa có cả một hồ nước xanh biếc. Khu vực chính điện và khuôn viên xung quanh chùa được xây dựng hoàn toàn dựa theo thiết kế của trụ trì Thích Viên Minh. Bảo tháp Gotama Cetiya, bảo tháp chính của chùa, là bảo tháp lớn nhất Việt Nam với chiều cao 56m cùng bốn tháp phụ xung quanh, được xây dựng theo lối kiến trúc cung điện với màu trắng chủ đạo, phối cùng màu vàng rực rỡ ở phần chóp của kiến trúc chùa Thái Lan.

"Chùa vàng Thái Lan" ở Hưng Yên

Những điểm đến hữu nghị Việt Nam-Thái Lan
Chùa Phúc Lâm, thôn La Mát, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Chùa Phúc Lâm tọa lạc tại thôn La Mát, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Với diện mạo dát vàng, lối kiến trúc Thái Lan độc đáo kết hợp với biểu tượng sen vàng, rồng vàng, chùa Phúc Lâm hiện đang là điểm đến tâm linh thu hút nhiều du khách đến thăm quan.

Chùa sở hữu khuôn viên khoảng 4ha được trồng nhiều cây xanh. Với 4 tòa tháp và nhiều pho tượng Phật lớn, ngôi chùa toát lên vẻ thiêng liêng, huyền bí nhưng cũng không kém phần thanh tịnh. Đặc biệt, vào thời điểm hoàng hôn, du khách có thể ngắm nhìn ngôi chùa phát sáng lấp lánh.

Phòng không gian văn hóa Thái Lan, Đại học Hà Nội

Kể từ năm 2009, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Thái Lan đã đi vào hoạt động với mục đích chính là giảng dạy tiếng Thái lan tại trường Đại học Hà Nội (Km9 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) ở cấp độ giao tiếp trong các lĩnh vực như tiếng Thái thương mại, tiếng Thái Du lịch dành cho mọi đối tượng có nhu cầu. Bên cạnh đó Trung tâm còn tổ chức các khóa học tiếng Thái ngắn hạn trình độ cơ sở phục vụ các nhu cầu xã hội như đi du học, làm việc, kinh doanh, du lịch... tại Thái Lan.

Những điểm đến hữu nghị Việt Nam-Thái Lan
Lễ khánh thành phòng không gian văn hóa Thái Lan, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Thái Lan, Đại học Hà Nội.

Năm 2018, Trung tâm khánh thành phòng không gian văn hóa Thái Lan nhằm giới thiệu, quảng bá ngôn ngữ - văn hóa Thái Lan cũng như các thành tựu của đất nước Thái Lan xinh đẹp tại Trường Đại học Hà Nội. Hàng năm, Trung tâm cũng tổ chức lễ hội Songkran, Loi Krathong, trải nghiệm văn hóa Thái Lan…

Bên cạnh việc đưa chuyên gia sang giúp đỡ trong việc xây dựng chương trình giảng dạy, phía Thái Lan còn đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của Trung tâm.

Chùa Thiền Lâm vẻ đẹp xứ chùa vàng trong lòng cố đô Huế

Chùa Thiền Lâm hay còn được gọi với cái tên là Chùa Phật đứng - Chùa Phật nằm, tọa lạc trên đồi Quảng Tế (thôn Thượng 2, xã Thủy Xuân, thành phố Huế). Chùa thuộc hệ phái Nam Tông do Hòa Thượng Hộ Nhẫn lập ra vào năm 1960.

Chùa Thiền Lâm mang đậm nét kiến trúc Thái Lan, từ lâu đã là điểm đến văn hóa, tâm linh thu hút du khách ở Huế.

Những điểm đến hữu nghị Việt Nam-Thái Lan
Chùa Thiền Lâm mang dáng vẻ của những ngôi chùa truyền thống dát vàng ở Thái Lan có tháp hình xoắn ốc.

Đến chùa Thiền Lâm, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những pho tượng tuyệt đẹp. Trong đó có tượng Phật Thích Ca cao 1,6m tọa thiền trên bảo tọa 2m ở chính giữa và bên trái là pho tượng Hòa Thượng Hộ Nhẫn bằng sáp. Chùa cũng là nơi có đại hồng chung nặng 700kg.

Làng hữu nghị Việt Nam - Thái Lan giúp củng cố quan hệ thương mại giữa 2 nước Làng hữu nghị Việt Nam - Thái Lan giúp củng cố quan hệ thương mại giữa 2 nước
Chiều 2/4, tại Hà Nội, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã tổ chức chương trình Làng hữu nghị Việt Nam - Thái Lan vì sự phát triển bền vững.
Việt Nam-Thái Lan thống nhất phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan thống nhất phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
Ngày 24/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã hội đàm trực tuyến với Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Thani Thongphakdi để trao đổi về quan hệ song phương, hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, cũng như về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Thu Hoài

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhung-diem-den-huu-nghi-viet-nam-thai-lan-146780-146780.html

In bài viết