33 năm sự kiện Gạc Ma: Bia đá, lòng người mãi khắc ghi

06:00 | 14/03/2021

Ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền biển đảo tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhưng bia đá và lòng người mãi khắc ghi tên tuổi các anh...
Tưởng niệm 64 liệt sỹ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma Tưởng niệm 64 liệt sỹ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma
Nhân dịp kỷ niệm 31 năm sự kiện Gạc Ma, xin giới thiệu đến độc giả một số hình ảnh về buổi lễ tưởng niệm 64 liệt sỹ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 trên biển Trường Sa.
Hơn 500 cựu chiến binh Trường Sa gặp mặt nhân kỷ niệm sự kiện Gạc Ma Hơn 500 cựu chiến binh Trường Sa gặp mặt nhân kỷ niệm sự kiện Gạc Ma
Hơn 500 cựu chiến binh từng chiến đấu và tham gia bảo vệ quần đảo Trường Sa đã có buổi gặp mặt đầy xúc động tại phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Tấm bia trên đảo Sinh Tồn

33 năm trôi qua, sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm, không tiếc máu xương để giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Hiện nay tên tuổi quê quán những người cán bộ chiến sĩ hi sinh nằm lại dưới biển đã được khắc ghi trên bia đá trong ngôi Chùa Sinh Tồn.

33 năm sự kiện Gạc Ma: Bia đá, lòng người mãi khắc ghi

Quân và dân đảo Sinh Tồn tri ân các liệt sĩ Gạc Ma

Giữa sóng gió biển khơi, chùa Sinh Tồn, thanh tịnh và bình yên. Ngôi chùa không chỉ là một kiến trúc văn hóa mà còn là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để người dân ngưỡng vọng, thờ phụng đức Phật. Chùa Sinh Tồn cũng là nơi đặt tấm bia phương danh 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Mỗi khi đến ngày giỗ 64 liệt sĩ, bà con xã đảo Sinh Tồn thường làm cơm chay, bày hương hoa tại bia phương danh để cầu siêu cho linh hồn các anh; quân dân ở các đảo ở quần đảo Trường Sa đều đến chùa thắp hương, khấn vọng hương linh của những cán bộ, chiến sỹ Hải quân ưu tú đã ngã xuống với lòng thành kính và tri ân sâu sắc.

Anh Trần Văn Hòa, người dân xã đảo Sinh Tồn cho biết: ngoài ngày giỗ thì những ngày rằm, mồng 1 hàng tháng và ngày lễ, Tết, bà con trên đảo đều đến chùa thắp hương và mong các anh - những người con đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho chủ quyền biển đảo được ngủ yên trong lòng biển cả, phù hộ độ trì cho quân dân trên đảo bình an.

Những người con tiếp bước cha canh giữ biển

Trong sự kiện bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988 có 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân đã hy sinh. 33 năm đã qua, nhiều con em của các liệt sĩ, cựu binh Trường Sa đang tiếp bước cha anh, trong đó có Đại úy Nguyễn Tiến Xuân, hiện là nghiệp vụ trưởng hàng hải, phòng Tham mưu, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân - con trai của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong (Chỉ huy trưởng khung giữ đảo Gạc Ma). Đại úy Nguyễn Tiến Xuân tâm sự: Bố hy sinh khi anh mới được 3 tháng tuổi. Lớn lên bằng tình yêu của mẹ, ngay từ nhỏ Xuân đã ước mơ trở thành người chiến sĩ Hải quân, tiếp nối con đường của bố. Trước khi ở vị trí hiện tại, Xuân đã từng là một truyền trưởng nhiều kinh nghiệm, điều khiển con tàu vượt sóng gió bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa.

Nguyễn Tiến Xuân tâm sự: “Em vào lực lượng hải quân là có hai lý do là truyền thống của gia đình và ước mơ từ nhỏ của bản thân rất yêu màu áo hải quân. Chuyến đi biển đầu tiên của em là đến với Trường Sa, khi đi qua chỗ bố hy sinh, em thấy một đàn có heo, em có cảm giác như bố đang nhìn mình, lúc đó em rất muốn khóc nhưng đã kìm lại được…và trong nhiều năm liên tiếp em đều đi thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa”.

Cũng giống Đại úy Nguyễn Tiến Xuân, nhiều con em của liệt sĩ Gạc Ma so với bạn bè cùng lứa, thiệt thòi vì thiếu vắng tình thương của bố nhưng mỗi người luôn biết vượt lên nỗi đau, sự mất mát để phấn đấu trong cuộc sống, xứng đáng với sự hy sinh của cha mình. Vài tấm hình ít ỏi và những bức thư gửi cho mẹ là những kỷ vật quý giá với Thượng úy QNCN Trần Thị Thủy, hiện đang công tác tại Lữ đoàn 146, BTL vùng 4 Hải quân-con gái của anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương (lúc đó là thiếu úy, đảo phó đảo Gạc Ma). Những gì mà chị Thủy biết về cha mình là qua lời kể của bà và ký ức đầy nước mắt của mẹ. Thủy tâm sự: Tự hào về cha bao nhiêu thì thì ước mơ trở thành một người chiến sỹ Hải quân càng cháy bỏng bấy nhiêu. Thủy đã nuôi ước mơ ấy cho đến ngày tốt nghiệp Đại học. Sau khi được đến Trường Sa vào năm 2010, qua vùng biển Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao, tận mắt nhìn thấy nơi cha mình đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ cờ đẫm máu trên đảo Gạc Ma.

33 năm sự kiện Gạc Ma: Bia đá, lòng người mãi khắc ghi

Thượng úy Trần Bích Thủy, con gái anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương

Ngay trên tàu, trong chuyến đi ấy, Thủy đã viết đơn tình nguyện vào quân ngũ: “Được khoác trên mình bộ quân phục của người lính hải quân mà từ nhỏ mình đã mong muốn, tôi rất rất vui mừng và cũng mang trong mình niềm tự hào rất to lớn. Là phụ nữ cũng có những khó khăn nhất định so với các anh nam giới nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hết sức mình, luôn luôn phấn đấu hoàn thiện bản thân hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó và để không phụ lòng bố”.

Với mỗi CBCS đang thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, 33 năm đã trôi qua, nhưng các thế hệ CBCS nối tiếp nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa luôn khắc ghi lời thề giữ đảo. Thượng tá Đinh Văn Cường, chính trị viên đảo Trường Sa cho biết, được công tác ở Trường Sa là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt, mỗi CBCS đảo Trường Sa và các đảo trên Quần đảo Trường Sa luôn tiếp bước thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ra sức học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống:

Với tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng và khát vọng hòa bình của bộ đội hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Mỗi người lính ở Trường Sa hôm nay luôn quyết tâm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong tâm trí của những người con đất Việt, những liệt sỹ hy sinh trong sự kiện bảo vệ các đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao ở quần đảo Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988 mãi khắc ghi. Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã nằm lại biển sâu nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nhà xuất bản Mỹ mua bản quyền phát hành sách về Gạc Ma Nhà xuất bản Mỹ mua bản quyền phát hành sách về Gạc Ma
TĐO - Đại diện một NXB từ Mỹ vừa đến Việt Nam mua bản quyền “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” để phát hành bản tiếng Anh trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, cuốn sách đã “cháy” hàng trước ngày ra mắt tạo cơn sốt trong giới xuất bản.
Đại lễ cầu siêu 64 liệt sĩ đảo Gạc Ma tại Hàn Quốc Đại lễ cầu siêu 64 liệt sĩ đảo Gạc Ma tại Hàn Quốc
TĐO - Ngày 9/4, tại Chùa Phụng Nguyên, Thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã diễn ra Lễ Đại Cầu siêu, tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào tử nạn và 64 liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988.

Khánh Gia

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/33-nam-su-kien-gac-ma-bia-da-long-nguoi-mai-khac-ghi-133543.html

In bài viết