Xác xơ “thiên đường” du lịch đảo Lý Sơn

22:32 | 03/12/2020

Từng được du khách trong và ngoài nước ví như “thiên đường” du lịch, đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) có nhiều cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng. Thế nhưng, những đợt thiên tai vừa qua đã khiến đảo Lý Sơn xơ xác, hoang tàn. Nhiều địa điểm lưu trú, nghỉ dưỡng cộng đồng bị thiên tai tàn phá nặng nề. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết những thiệt hại vẫn còn nguyên hiện trạng, do thời tiết bất lợi và người dân thiếu kinh phí sửa chữa.
Quảng Ngãi: Bảo tồn cua đá đảo Lý Sơn Quảng Ngãi: Bảo tồn cua đá đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn thiệt hại nặng, cấp tập khắc phục hậu quả sau bão số 9 Đảo Lý Sơn thiệt hại nặng, cấp tập khắc phục hậu quả sau bão số 9

Cây cổ thụ - điểm dừng chân của du khách trên đảo Lý Sơn bị trụi lá trước tác động của thiên tai.

Cây phong ba “cô đơn” bên bờ biển, biểu tượng cho sức chịu đựng sóng gió của con người và thiên nhiên đảo Lý Sơn, là điểm check in ưa thích của du khách và nhiều bạn trẻ đã bị đổ gục trong gió giật cấp 15. Homestay Gió Biển, Lý Sơn Bugalow Hostel hay Bé Ecolodge... những điểm lưu trú, nghỉ dưỡng hoang sơ nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch Việt Nam và quốc tế đã bị thiên tai tàn phá chỉ còn trơ tấm biển thương hiệu một thời lung linh níu chân du khách.

Bà Trương Thị Bông, chủ cơ sở homestay Gió Biển ở đảo Bé, huyện Lý Sơn cho hay: Chưa có năm nào thiên tai dữ dằn như vậy. Bão chồng bão làm cơ sở homestay gia đình tôi bay theo gió. Cái nào gió không lấy được thì sóng biển ập vào cuốn đi. Hàng trăm mét đất bị sạt lở, mấy căn nhà ở ven bờ biển dành cho khách thuê trọ bị “ông trời” với “bà thủy” lấy hết sạch sành sanh. Cả gia đình không biết làm gì để trang trải cuộc sống và trả nợ.

Bà Bông không phải là người duy nhất kinh doanh du lịch cộng đồng bị thiệt hại thiên tai, mà rất nhiều người trên địa bàn đảo Bé làm dịch vụ du lịch đều bị “tổn thương” tinh thần và tài sản. Các dãy hàng quán phục vụ ăn uống ngã rạp sau bão, người dân ngơ ngác tìm kiếm sinh kế trong mớ hỗn độn và hoang tàn. Sinh sống ở đầu sóng, ngọn gió nhưng chưa bao giờ họ phải chứng kiến bão “càn quét” như vừa qua.

Còng lưng thu dọn đống vật liệu đổ nát, vương vãi trên căn nhà sàn xây dựng bên bờ biển dành cho khách lưu trú, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, chủ cơ sở homestay Biển Ngọc vẫn còn thất thần trước thiệt hại của gia đình. Với bà Thúy và không ít người dân đảo Bé, toàn bộ vốn liếng dành dụm, vay mượn đầu tư vào du lịch, tạo sinh kế cho gia đình, giờ đã bị mất hết qua những trận cuồng phong. Bà Thúy không hy vọng gia đình còn đủ tiềm lực kinh tế để vực lại homestay, đồng thời tôn tạo cảnh quan vườn nhà phục vụ du khách trong thời gian tới. Bà Thúy mong chờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

“Cả đời tôi nghèo khó, mấy năm nay thấy du lịch ở quê hương mình phát triển, gia đình vay mượn người thân gây dựng nơi trú chân cho du khách, kiếm sống qua ngày. Không ngờ, bão tàn phá như thế này thì gia đình tôi trở nên khốn khổ hơn. Nhiều gia đình ở đây không biết sống như thế nào trong nay mai. Gần tháng nay, bà con mong gặp được cán bộ địa phương để giải bày, đề xuất hỗ trợ để làm lại từ đầu” - Bà Thúy nói.

Lý Sơn từng được du khách khắp nơi biết đến với những tuyệt tác của thiên nhiên tạo nên như: Thắng cảnh Hang Câu, chùa Hang, cổng Tò Vò; hay những đình làng, miếu mạo văn hóa tâm linh do người dân xây dựng làm đắm say lòng du khách, thế nhưng nay đã bị thiên tai tàn phá xơ xác. Bão số 9 đã làm hầu hết các điểm thăm quan, nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng xây dựng phục vụ du khách bị thiệt hại nặng nề. Cây xanh, cây di sản trên đảo từng là điểm dừng chân của du khách trong chuyến hành trình đến với đảo tiền tiêu này cũng bị trụi lá, trơ cành vì mưa bão.

Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, Lý Sơn là địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất trong những trận bão, áp thấp nhiệt đới vừa qua. Đặc biệt, bão số 9 làm cho gần 1.900 nhà dân bị tốc mái và hư hỏng hoàn toàn; hơn 300ha diện tích cây hành vụ Hè thu bị úng nước, thiệt hại lên đến trên 107 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều cơ sở du lịch cộng đồng, danh lam, thắng cảnh bị hư hỏng nặng. Người dân gặp rất nhiều khó khăn sau bão. Chính quyền địa phương đang nỗ lực giúp bà con nhanh chóng khôi phục thiệt hại, trở lại cuộc sống bình thường và tiếp tục đón khách du lịch trong thời gian sớm nhất.

“Có thể cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng du lịch chưa được tốt như vốn có của nó. Nhưng với tấm lòng thân thiện, hiếu khách của người dân đảo sẽ làm khách vui hơn khi đến với Lý Sơn trong thời gian này”- Ông Thành chia sẻ thêm.

Du lịch Lý Sơn phần lớn dựa trên nền tảng cảnh đẹp thiên nhiên, truyền thống văn hóa và tinh thần bám biển kiên cường của người dân đảo. Thiệt hại của ngành du lịch huyện Lý Sơn trong những cơn bão vừa qua là vô cùng to lớn. Hơn lúc nào hết, nhân dân và chính quyền nơi đây luôn mong chờ sự hỗ trợ của các cấp để tái thiết ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và xây dựng Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Độc đáo “Cánh đồng dung nham” ở Lý Sơn Độc đáo “Cánh đồng dung nham” ở Lý Sơn

“Cánh đồng dung nham” đảo Bé (huyện Lý Sơn) là vẻ đẹp được ví như dòng chảy của dung nham sau những đợt phun trào ...

Quảng Ngãi: Bảo tồn cua đá ở huyện đảo Lý Sơn Quảng Ngãi: Bảo tồn cua đá ở huyện đảo Lý Sơn

Cua đá hay còn gọi là cua dẹp, cua đỏ đang suy giảm nghiêm trọng về số lượng do sự khai thác tràn lan nhưng ...

Quảng Ngãi: Tháo dỡ một điểm dừng chân du lịch ở Lý Sơn Quảng Ngãi: Tháo dỡ một điểm dừng chân du lịch ở Lý Sơn

Trước những ý kiến về sự bất hợp lý trong việc xây dựng 1 trong 2 điểm dừng chân ở đảo An Bình (đảo Bé), ...

Văn Tánh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/xac-xo-thien-duong-du-lich-dao-ly-son-124801.html

In bài viết