“Trẻ em không phải là cô dâu”: Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn

14:46 | 30/11/2020

Ở một số địa phương, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số, vấn nạn kết hôn sớm (tảo hôn) đã và đang gây ra những hệ lụy khó lường. Dự án truyền thông “Trẻ em không phải cô dâu” là một trong những nỗ lực có hiệu quả nhằm đẩy lùi hủ tục tảo hôn, góp phần thay đổi cuộc sống hiện tại và tương lai của nhiều trẻ em.
Tổ chức GNI khám sức khỏe miễn phí cho 1.417 trẻ bảo trợ tại Hà Giang Tổ chức GNI khám sức khỏe miễn phí cho 1.417 trẻ bảo trợ tại Hà Giang
Tổ chức GNI hỗ trợ 120 triệu đồng cho người dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) bị lũ lụt Tổ chức GNI hỗ trợ 120 triệu đồng cho người dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) bị lũ lụt

Nhờ trẻ em truyền thông cho chính trẻ em

Dự án “Trẻ em không phải cô dâu” được thực hiện bởi tổ chức Good Neighboors International (GNI) tại Việt Nam, với mục tiêu nâng cao nhận thức của trẻ em và người dân trong cộng đồng huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) về việc phòng chống tảo hôn với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Nổi bật trong đó là hành trình của 30 “chiến binh” là những học sinh nòng cốt từ 12-18 tuổi, trực tiếp tham gia vào công tác truyền thông qua các bộ ảnh, clip hay những buổi trực tiếp đến thăm từng gia đình để vận động bạn bè, người dân về việc kết hôn sớm. Các em cũng chính là những người đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ: “Hãy để trẻ em được là trẻ em”.

“Trẻ em không phải là cô dâu”: Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Các em học sinh tự mình thực hiện sản phẩm truyền thông cho dự án (Ảnh: GNI)

Hầu hết các em đều sinh ra và lớn lên, chứng kiến đâu đó xung quanh mình những trường hợp kết hôn sớm từ năm 15, 16 hay thậm chí 13 tuổi. Đặc biệt, có một bạn là kết quả của việc bố mẹ tảo hôn nhưng đã ly hôn và em phải sống cùng với bà. Một trường hợp khác từng có ý định lấy chồng từ năm 16 tuổi nhưng đã kịp thời nhận ra, thay đổi và muốn theo đuổi ước mơ của mình.

Nói về quá trình thực hiện dự án, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Oanh – một trong những giảng viên trực tiếp hỗ trợ, tập huấn 30 “chiến binh nhí” cho hay: “Đối với các em người miền núi, dân tộc thiểu số, việc làm quen với máy ảnh, máy quay phim để có thể làm truyền thông với chủ đề “Trẻ em không phải cô dâu” thực sự là một thử thách đối với cả thầy và trò”.

“Trẻ em không phải là cô dâu”: Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Các "chiến binh nhí" đã chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động

Bước đầu tiên, các em phải vượt qua trở ngại là thiếu tự tin. Sau đó, các em học cách sử dụng máy để chụp ảnh, quay phim. Khi đã biết cách sử dụng thì các em phải đi giao tiếp với mọi người để phỏng vấn, hỏi chuyện. Hỏi cái gì, nội dung như thế nào là vấn đề tiếp theo. Thời gian hạn hẹp, các em chỉ được nghỉ thứ 7 và ngày Chủ Nhật. Các em còn phải thi, còn làm bài tập, đôi khi còn nghỉ, không tham gia thường xuyên, tuần này em này đi, tuần sau lại em khác đi. Đó cũng là những trở ngại không nhỏ – thầy Oanh chia sẻ.

Góp sức cùng với dự án là các đại sứ đầy nhiệt huyết đã tích cực tham gia các hoạt động: Diễn viên Hari Won, MC Công Tố, Hoa hậu hoàn vũ H’Hen Niê, Top 15 Hoa hậu Việt Nam 2018 Hà Thanh Vân, MC Mạnh Khang, diễn viên Minh tít, diễn viên Trung ruồi. Cùng với đó, là sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, các thầy cô giáo, giảng viên, tư vấn viên... Tất cả đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp của chương trình.Những người đồng hành tận tụy

Như Hari Won chia sẻ, bản thân cô rất bất ngờ, ngạc nhiên khi ở Việt Nam vẫn còn nạn tảo hôn. Có những câu chuyện rất buồn như khi hai bạn lấy nhau sớm mà không có kinh nghiệm sống, không có nhận thức đầy đủ về cuộc sống gia đình, dẫn tới mâu thuẫn rồi bạn nữ bị chồng đánh. “Mình thấy thương cả bạn nữ và bạn nam” – Hari Won tâm sự.

“Trẻ em không phải là cô dâu”: Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Các đại sứ đã góp phần mang tới thành công cho dự án

Hay như câu chuyện của hoa hậu H’Hen Niê về một người bạn cũ dù rất xinh xắn, năng nổ, học khá tốt nhưng lại sinh con khi mới học lớp 8. H’Hen Niê kể: “Giữa học kỳ, Hen với các bạn đi thăm bạn ấy mới sinh. Lúc đó Hen rất ngạc nhiên, thấy sợ hơn là thích khi tới thăm bạn. Mình đang đi chơi mà giờ phải chăm thêm một bé, tự chăm con, cho con bú, vệ sinh tất tần tật… Hen thấy người bạn của mình rất thiệt thòi”.

Với MC Mạnh Khang, “trẻ em chắc chắn nên đi học” thay vì kết hôn sớm, bởi đi học là con đường duy nhất giúp chúng ta tìm ra được cơ hội tốt hơn trong cuộc sống. Còn người mẫu Hà Thanh Vân thì cho rằng sự đồng cảm của phụ huynh, sự nhận thức của cộng đồng chính là giải pháp hữu hiệu trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn.

“Trẻ em không phải là cô dâu”: Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Các đại sứ của dự án giao lưu, tặng quà trẻ em địa phương

Diễn viên Minh tít nhấn mạnh thông điệp phải có tính kế thừa: “Một mình Minh tít, một mình con Minh tít không thể làm được điều đó mà cần phải có cả một cộng đồng và cả cộng đồng ở lứa tuổi con của Minh tít. Điều đáng sợ nhất là khi chúng ta làm điều gì đó cho cộng đồng nhưng lại đơn độc trên con đường. Chúng ta phải gắn kết lại thì công việc của chúng ta mới có hiệu quả”.

Về phía địa phương, bà Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết chính quyền đã huy động rất nhiều nguồn lực cho dự án bởi đây là một chương trình có ý nghĩa thiết thực, giúp ích cho không chỉ trẻ em địa phương mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân, ngăn chặn và đẩy lùi những hủ tục lạc hậu.

Thành công hôm nay, tương lai ngày mai

“Trẻ em không phải là cô dâu”: Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Người dân địa phương thăm quan triển lãm

Được triển khai từ tháng 2/2020, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự án “Trẻ em không phải cô dâu” đã đạt được những hiệu quả vượt ngoài mong đợi. Dự án đã kết hợp các hoạt động giáo dục cho trẻ em và truyền thông cho nhà trường, cộng đồng tại địa bàn xã Yên Thành và Tân Bắc (huyện Quang Bình), với số lượng người hưởng lợi trẻ em (12-18 tuổi) và cha mẹ của trẻ là gần 1.500 người, người dân và cán cán bộ trong cộng đồng là hơn 5.500 người.

Đêm Gala tổ chức tối 28/11 và Triển lãm Truyền thông sáng 29/11 tại thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình chính là điểm nhấn đẹp khép lại hành trình hơn 9 tháng triển khai dự án, thu hút hàng nghìn người dân địa phương và lân cận tham gia. Các tiểu phẩm văn nghệ, hình ảnh, clip là sản phẩm truyền thông của 30 “chiến binh nhí” đã mang tới cho người xem nhận thức đầy đủ hơn, rõ nét hơn về vấn nạn tảo hôn.

“Trẻ em không phải là cô dâu”: Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Các em học sinh nhận giải thưởng của BTC

Từ rất nhiều thước phim, bức hình này, BTC đã chọn ra được các tác phẩm mang ý nghĩa, thông điệp sâu sắc để trao giải. Trong đó, câu chuyện được trao Giải Nhất là câu chuyện rất ý nghĩa của một người đã từng kết hôn sớm, được các em kể lại và chia sẻ thông điệp với mọi người. Đoạn phim được Giải Nhất cũng thế, khi các em đã tiếp cận, sẻ chia và đồng cảm với những nhân vật vốn rất ngại ngùng, phải vượt qua tâm lý mặc cảm để nói về câu chuyện không vui của mình.

“Chúng ta có thể nhìn thấy ở đây là chính sản phẩm, ý tưởng của các em đã được thể hiện bằng công cụ, phương tiện hiện đại và quan trọng nhất là các sản phẩm, ý tưởng đó được đưa lên mạng xã hội. Nhiều em bé ở các vùng miền sẽ xem, từ đó hiệu quả truyền thông được nhân lên. Tôi nghĩ đây là cách làm tốt mà dự án “Trẻ em không phải cô dâu” hay các dự án khác có thể học hỏi để làm truyền thông về chủ đề rất nhạy cảm này” – thầy Nguyễn Ngọc Oanh nhận xét.

“Trẻ em không phải là cô dâu”: Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Tuyên bố chung của các em học sinh khẳng định thông điệp nhân văn sâu sắc của dự án

Tại sự kiện sáng 29/11, thay mặt cho những người triển khai dự án, các em nhỏ đã đưa ra Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh: Trẻ em chỉ là trẻ em, trẻ em không phải cô dâu hay chú rể. Trẻ em có quyền được đi học, trẻ em cần được sống vui tươi, hồn nhiên nhất và theo đuổi ước mơ của chính mình. Tuyên bố này đã một lần nữa khẳng định, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp của dự án trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn.

Đôi nét về tổ chức GNI

GNI tại Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ quốc tế hiện hoạt động ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, được thành lập tại Việt Nam vào tháng 6/2005 và có trụ sở làm việc tại Hà Nội. Hiện nay, GNI đang triển khai hoạt động ở 6 địa bàn dự án tại 4 tỉnh là Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang và Hà Giang thông qua các chương trình: Bảo trợ trẻ em; Giáo dục và bảo vệ trẻ em; Phát triển sinh kế; Sức khỏe; Nước sạch và vệ sinh môi trường; Xây dựng mạng lưới và quan hệ đối tác; Cứu trợ khẩn cấp và viện trợ nhân đạo với hơn 10.000 trẻ bảo trợ và hơn 200.000 người dân được hưởng lợi từ các dự án.

GNI giúp người dân Quang Bình, Hà Giang phát triển sinh kế từ chăn nuôi gà đen GNI giúp người dân Quang Bình, Hà Giang phát triển sinh kế từ chăn nuôi gà đen

Đây là hoạt động thuộc lĩnh vực Phát triển sinh kế của GNI với mục tiêu tạo thu nhập ổn định và bền vững cho ...

GNI trào quà cho hơn 1.000 trẻ em tại Hòa Bình GNI trào quà cho hơn 1.000 trẻ em tại Hòa Bình

Mới đây, trong khuôn khổ chương trình trao quà hàng năm cho trẻ bảo trợ tại các địa bàn dự án, tổ chức Good Neighbors (GNI) ...

Good Neighbors trao quà cho gần 4.000 trẻ em tại Sơn Dương, Tuyên Quang Good Neighbors trao quà cho gần 4.000 trẻ em tại Sơn Dương, Tuyên Quang

Mới đây, tổ chức Good Neighbors đã triển khai hoạt động trao quà hằng năm cho 3,897 trẻ bảo trợ tại địa bàn 08 xã dự ...

Trọng Sang

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tre-em-khong-phai-la-co-dau-chung-tay-day-lui-nan-tao-hon-124524.html

In bài viết