Độc đáo làn điệu hò bả trạo của người dân vùng biển Quảng Nam

13:17 | 19/11/2020

Hát bả trạo (hay hò bả trạo) là một loại hình văn hoá phi vật thể phong phú về tư tưởng và nghệ thuật, do các thế hệ tiền nhân sáng tạo. Theo cách lý giải của những ngư miền biển thì bả tức là cầm chắc, còn trạo có nghĩa là mái chèo; bả trạo có nghĩa là cầm chắc mái chèo để giong buồm ra khơi.
Lan tỏa tình yêu biển, đảo của Tổ quốc Lan tỏa tình yêu biển, đảo của Tổ quốc
Quảng Bình: Mô hình “Ánh sáng vùng biên” gắn kết nghĩa tình nơi biên giới Quảng Bình: Mô hình “Ánh sáng vùng biên” gắn kết nghĩa tình nơi biên giới
Diễn xướng hát múa bả trạo trong Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lâm Đăng Khoa
Diễn xướng hát múa bả trạo trong Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Tài sản tinh thần quý giá

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân vạn chài xứ Quảng vẫn luôn bám làng để “sống trên cát, chết vùi trong cát” và truyền lại “tài sản tinh thần” quý giá nhất cho thế hệ mai sau, đó là: hát Bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng văn hóa tục thờ “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần”.

Song hành với các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, hát Bả trạo cùng có khởi nguyên từ sân khấu dân gian luôn chứa đựng tiềm ẩn nội hàm chất liệu âm nhạc dân gian, được môi trường tự nhiên nuôi dưỡng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng phương thức cộng hưởng bằng các yếu tố: truyền miệng, vần điệu, động tác, nhạc vũ…

Ở Quảng Nam, hát bả trạo chỉ được diễn xướng, tái hiện trong Lễ hội cầu ngư (hay còn gọi là Lễ tế cá Ông, Lễ hội nghinh Ông...). Đây là một trong những lễ hội lớn của những ngư dân ven biển Quảng Nam, nó hàm chứa tất cả những niềm khát khao, mộc mạc, chân thành của những con người làm nghề sông nước đối với biển cả nói chung và với cá Ông nói riêng. Chủ thể văn hóa thực hành diễn xướng hát múa bả trạo trong các lễ hội cầu ngư là cộng đồng dân cư các xã, phường ven biển Quảng Nam.

Trong phần hội của Lễ hội cầu ngư, cuốn hút nhất là màn diễn xướng dân gian hát múa bả trạo trên cạn hết sức độc đáo. Trên sàn diễn dựng ngay tại bãi biển là mô hình một chiếc thuyền rồng được trang trí rực rỡ bởi cờ hội và cờ đuôi nheo. Màn múa hát bả trạo được được trình diễn và khởi xướng bởi 3 người được chọn lựa rất kỹ, đó là 3 ông Tổng: Tổng Mũi (còn gọi là Tổng Tiền), Tổng Khoang (còn gọi là Tổng Thương) và Tổng Lái (người chỉ huy con thuyền). Những người tham gia còn lại gọi là bạn chèo lập thành đội chèo.

Tùy từng địa phương, mỗi đội chèo thường có từ 12 đến 16 người, cũng có khi lên đến 18 hoặc tối đa là 20 người và đặc biệt là số người tham gia đội chèo bao giờ cũng là số chẵn để cho cân xứng và trình diễn dễ dàng hơn. Các bạn chèo đầu chít khăn đỏ, lưng thắt vải đỏ, tay cầm chèo được phết sơn đủ màu... Con thuyền biểu tượng trong hát bả trạo có chiều dài từ 3,5 đến 4 mét, được trang trí đầu rồng đuôi phụng, rực rỡ và không có đáy, được biểu trưng không chỉ là phương tiện để đi lại trên biển mà còn là biểu tượng của sự tế độ nhằm giúp đỡ đưa tâm thức con người vượt qua “bờ mê” để về “bến giác” theo cõi Phật; cũng là con thuyền chở đầy khát vọng, gửi gắm lời cầu mong đến các vị nhiên thần, nhân thần mang đến sự an lành no ấm, bình yên cho dân vạn chài.

Dẫn đầu đoàn chèo hát bả trạo trên chiếc thuyền rồng là Tổng Mũi, tiếp đến là Tổng Khoang và Tổng Lái sau cùng, còn bạn chèo thì sắp 2 hàng ngăn nắp phía sau Tổng Mũi. Sau khi hàng ngũ đã chỉnh tề, vị chủ xướng ra lệnh bắt đầu thì tiếng trống tiếng chiêng vang lên rộn rã báo hiệu cuộc diễn xướng bắt đầu. Lúc này, Tổng Mũi bắt đầu hô to: “Bớ bả trạo”, lập tức, các bạn chèo đồng thanh hô vang: “Dạ” và Tổng Mũi mở đầu phần hát bả trạo: “Hôm nay là ngày Lễ ông cuối vụ/ Con cháu ta tụ họp về đây/Chỉnh đốn xiêm y trang phục đủ đầy/Để tưởng niệm và tôn kính thần linh Nam Hải... đó nghe”. Hòa theo lời hát của Tổng Mũi, các Tổng Khoang và Tổng Lái nhún nhảy theo nhịp trống phách, làm điệu bộ cổ vũ cho các bạn chèo nhanh nhanh tay chèo cho thuyền vượt sóng. Các bạn chèo làm động tác khua mái chèo, lúc thì chồm về phía trước, lúc thì ngả người ra sau như thể họ đang cật lực, căng sức để đưa con thuyền tiến về phía trước. Tất cả mọi hành động diễn ra rất nhịp nhàng, sống động và đẹp mắt.

Chính sự gắn kết trong văn hoá tâm linh đặc hữu văn hoá “biển” (văn hóa Nghinh Ông) mà tự hò bả trạo đã khẳng định là một hình thức âm nhạc đích thực, độc đáo, được Bộ VH-TT&DL xếp hạng văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào đầu tháng 9.2013.

Nội dung hát Bả trạo được thể hiện qua những lời hát, câu hò, điệu lý trữ tình… mang tính đặc hữu vùng miền của xứ Quảng giống như một dòng sông có những đoạn chảy xíết, những đoạn chảy vừa và chảy chậm… đã tạo nên sự đa dạng về hình thức, đặc sắc về giá trị tư tưởng nghệ thuật, đậm chất nghi thức nghi lễ ngư nghiệp, thu hút cộng đồng ngư dân tham gia và gắn bó chặt chẽ với lễ hội này.

Ngoài nghi thức dân gian đối với cá Ông ra, hát bả trạo còn thể hiện những tâm tư, tình cảm mộc mạc, chân thành của những ngư dân vùng biển đối với thiên nhiên, đối với đại dương bao la mênh mông sóng nước, cũng như cầu mong cho trời yên, bể lặng, sóng nước hiền hòa, những chuyến ra khơi thật sự thanh bình, cá tôm đầy ắp. Thông qua màn diễn xướng múa hát bả trạo, những người dân sông nước thể hiện những tâm tư, tình cảm trước cảnh đẹp, sự trù phú của biển cả quê hương. Qua những câu hò, điệu hát trong diễn xướng, ta cũng có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc sống, yêu nghề của những ngư dân vùng biển dẫu cho mỗi chuyến ra khơi họ phải luôn đối đầu với bao gian khó, rủi ro như sóng to, gió lớn, bão tố...

Ông tổng khoang là người hát những câu hát dí dỏm trong lúc những tay chèo “nghỉ ngơi” trên biển.
Ông tổng khoang là người hát những câu hát dí dỏm trong lúc những tay chèo “nghỉ ngơi” trên biển.

Cần truyền dạy

Hát bả trạo là một loại hình nghệ thuật đặc sắc nhưng hiện nay ở xứ Quảng đã dần bị mai một. Những người am hiểu về hò bả trạo quá ít, thanh niên vùng biển ngày càng hời hợt, lãng quên hò bả trạo; nghệ nhân biểu diễn thì không mặn mà trong việc tập luyện biểu diễn vì theo họ có nhiều khó khăn trong tập luyện, chế độ đãi ngộ… khiến cho một số diễn viên rút lui khỏi CLB hoặc không tham gia khi được mời.

Ngoại trừ một số CLB như CLB bả trạo Cẩm Thanh (Hội An), CLB bả trạo nữ Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An, CLB bả trạo Tam Thanh (Tam Kỳ), CLB bả trạo Bình Minh (Thăng Bình), thì phần lớn các CLB hò bả trạo vẫn chưa chuyên nghiệp, chỉn chu và bài bản. Việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật hò bả trạo cũng còn quá ít, chủ yếu được biểu diễn trong lễ Cầu ngư và ra quân đánh bắt hải sản đầu năm hoặc lễ Tế thu (tùy địa phương). Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ thuật hò bả trạo.

Hiện nay ở Quảng Nam sử dụng 2 kịch bản hò bả trạo là kịch bản Long thần bả trạo ca (được trình diễn trước lăng cá Ông) và kịch bản Âm linh bả trạo ca (được trình diễn trên bãi biển). Các nghệ nhân am hiểu bả trạo hiện nay dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay như nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Xa Văn Hùng (Thăng Bình), Phạm Đúng (Hội An). Ít là vậy nhưng đến nay, các nghệ nhân này vẫn chưa được công nhận nghệ nhân ưu tú dù đã tham gia nghiên cứu, biểu diễn nghệ thuật hò bả trạo hơn 35 năm.

Hát Bả trạo tại lễ hội cầu ngư ở xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ.
Hát Bả trạo tại lễ hội cầu ngư ở xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ.

Một số học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, nhạc sĩ các tỉnh Nam Trung Bộ đã đưa ra một số đề xuất trong việc phát triển nghệ thuật hò bả trạo Nam Trung Bộ. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách tài trợ, đãi ngộ cho hoạt động truyền dạy nghệ thuật hò bả trạo, coi trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn hóa cơ sở có trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của xã hội, địa phương. Cần có những chính sách bảo trợ tài trợ cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của cư dân miền biển, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa miền biển để các CLB các địa phương trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Nên giới thiệu lý thuyết về nghệ thuật này cho học sinh THPT, THCS thông qua bộ môn âm nhạc, giáo dục nội dung và ý nghĩa nghệ thuật này cho học sinh miền biển, đưa nghệ thuật này vào sân khấu học đường, thí điểm ở một số địa phương ven biển. Tiếp đến là thường xuyên thông tin, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu đến nhân dân và du khách về nghệ thuật hò bả trạo, phát hành các ấn phẩm về nghệ thuật hò bả trạo, công chiếu và tăng thời lượng phát sóng trên truyền hình địa phương và các kênh truyền hình chuyên biệt về văn hóa nghệ thuật dân gian vào những ngày cuối tuần, dịp lễ tết. Đồng thời nghiên cứu đưa nghệ thuật hò bả trạo trở thành sản phẩm du lịch phục vụ nhân dân và du khách (ví như Công ty Du lịch Khoa Trần, Hội An đã thử nghiệm tại Cẩm Thanh). Tuy nhiên phải tham khảo ý kiến các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, bô lão trưởng ban khánh tiết các đình làng ven biển vì đây là nghệ thuật mang tính tâm linh tín ngưỡng.

Quảng Nam: Sớm kiện toàn các khu neo đậu cho tàu cá tránh bão Quảng Nam: Sớm kiện toàn các khu neo đậu cho tàu cá tránh bão

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Quảng Nam cần huy động vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để hoàn ...

Hàng trăm chiến sĩ sát cánh cùng nhân dân trên tuyến biên giới Quảng Nam Hàng trăm chiến sĩ sát cánh cùng nhân dân trên tuyến biên giới Quảng Nam

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Quảng Nam đã không quản ngày đêm sát cánh cùng nhân ...

Nhiều người chết và mất tích, khắp nơi thiệt hại do mưa lũ Nhiều người chết và mất tích, khắp nơi thiệt hại do mưa lũ

Thống kê sơ bộ, đến chiều 8/10, mưa lũ ở miền Trung và Tây nguyên dẫn đến 4 người chết và 5 người mất tích. ...

Tuấn Quỳnh (TH)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/doc-dao-lan-dieu-ho-ba-trao-cua-nguoi-dan-vung-bien-quang-nam-123794.html

In bài viết